Đưa ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt trái phép: Truy tố 4 đối tượng môi giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Viện KSND tỉnh Cà Mau đã ban hành cáo trạng truy tố nhóm người môi giới đưa ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt cá trái phép bằng cách sơn vẽ, sửa biển kiểm soát tàu cá tỉnh Cà Mau thành tàu của Malaysia.

Các bị can bị truy tố về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, gồm: Dương Hoàng Giang (55 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau); Quách Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời), Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang).

Đưa ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt trái phép: Truy tố 4 đối tượng môi giới ảnh 1

Cơ quan ANĐT tống đạt các quyết định tố tụng với đối tượng Dương Hoàng Giang

Theo kết quả điều tra, từ đầu năm 2023, Quách Thanh Tuấn móc nối với người tên Salam (chưa rõ thông tin, địa chỉ) hợp thức hóa hồ sơ cho tàu cá số hiệu CM-92365-TS, do Tuấn đứng tên, thành tàu cá số hiệu KNF6649 của Malaysia, với số tiền khoảng 380 triệu đồng. Hành vi của các đối tượng nhằm đưa tàu cá này sang đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Người tên Salam yêu cầu Tuấn trả trước 27 triệu đồng và cung cấp thông tin kỹ thuật của tàu cá để Salam tìm hồ sơ, tìm 5 người Việt có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không sang Malaysia để Salam làm thủ tục đăng ký thuyền viên.

Tháng 6/2023, Salam thông báo đã hoàn tất giấy tờ đăng ký và hướng dẫn Tuấn sơn sửa số hiệu của tàu cá từ CM-92365-TS thành tàu KNF6649 để phù hợp hồ sơ và qua mặt lực lượng chức năng hai nước. Người này yêu cầu Tuấn hàn lắp thêm chữ “Y” phía trước khung chữ “A” hai bên tàu phía gần lái, cắt bỏ giàn khô phía trước cabin, đổi hộp số lớn, thay chân vịt và mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với giấy tờ tàu cá Malaysia. Khi hoàn tất, Tuấn giao cho Nguyễn Văn Công làm thuyền trưởng và tìm 7 ngư phủ. Trong đó, có 3 người không cần giấy tờ tùy thân, không cần làm thủ tục xuất cảnh; 4 người có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không sang Malaysia.

Những người này đã thống nhất cách ăn chia khi đánh bắt hải sản ở Malaysia. Cụ thể, sau khi trừ tất cả các chi phí như nhiên liệu, nước đá, ăn uống, ngư lưới cụ dự trù, lương thực, thực phẩm… số hải sản còn lại chủ tàu hưởng 60%, còn lại 40% chi cho tài công, máy trưởng, kỹ thuật, rồi tùy theo tỷ lệ chấm công, làm giỏi được hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít. Cứ mỗi 6 tháng, thuyền viên được về nước một lần, cho ứng trước 30 - 40 triệu đồng/ngư phủ.

Giới thiệu được 1 ngư phủ nhận 2 triệu đồng

Cùng thời gian trên, Quách Thanh Tuấn còn liên hệ với Dương Hoàng Giang để chạy tàu cá CM-92365-TS qua Malaysia giao cho Nguyễn Văn Công với mức phí 10 triệu đồng. Tháng 8/2023, Tuấn đưa những ngư phủ xuống tàu đi sang Malaysia. Do Giang không có bằng thuyền trưởng nên Tuấn chỉ đạo Nguyễn Tuấn Vũ (cháu Tuấn) lái tàu rời bến, sau đó neo trên biển chờ Giang đi đò dọc ra để nhận tàu. Ra đến tàu, Giang tháo thiết bị giám sát hành trình, gửi đò đưa vào bờ theo chỉ đạo của Tuấn.

Giang điều khiển tàu cá chạy đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia rồi chỉ đạo các thuyền viên tẩy số hiệu tàu cũ và ghi đè số hiệu tàu cá thành KNF6649. Tiếp đó, Giang đưa tàu đến Cảng Đỏ của Malaysia và chờ Công cùng 4 ngư phủ đi bằng đường hàng không tới họp mặt để ra biển đánh bắt. Sau một thời gian làm chung, giữa tháng 12/2023, có 4 ngư phủ không làm trên tàu cá cho Tuấn nữa và nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Do thiếu bạn thuyền, Công gọi Tuấn tìm thêm 5 người khác thay thế số bạn thuyền đã về nước.

Tiếp đó, Tuấn tìm tới Nguyễn Văn Phu nhờ tìm bạn thuyền, do Phu chuyên môi giới cho ngư phủ đi biển. Bạn thuyền không cần hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân, mỗi người được ứng trước 40 triệu đồng để sang Malaysia đi biển, với thời gian làm việc 6 tháng. Khi tìm được người, Phu dẫn 5 ngư phủ đến gặp Tuấn và sắp xếp cho họ đi ghe cào xuất cảnh trái phép sang Malaysia đánh bắt hải sản. Thông qua việc môi giới này, Tuấn trả công cho Phu 1 triệu đồng/ngư phủ, mỗi ngư phủ còn cho thêm Phu 1 triệu đồng.

Trong thời gian đánh bắt ở vùng biển Malaysia, tàu CM-92365-TS (KNF6649) về vùng biển Việt Nam bán hải sản 4 lần. Mỗi lần tàu chạy đến khu vực biển giáp ranh giữa 2 nước, Công chỉ đạo cho ngư phủ sơn lại cabin và thay đổi số hiệu tàu để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam. Ngày 8/7/2024, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện vi phạm và tạm giữ tàu cá CM-92365-TS khi tàu về vùng biển Việt Nam để bán hải sản. Sau đó, vụ việc được chuyển cho Công an tỉnh Cà Mau thụ lý điều tra.

Thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ tăng cường công tác điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; đưa tin trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tiếp tục xử lý nghiêm mọi hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài đánh bắt cá trái phép.

MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.