Dưa hấu, hành tỏi… đến “giải cứu” phim

Lời kêu gọi giải cứu của nhà sản xuất bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”
Lời kêu gọi giải cứu của nhà sản xuất bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”
TP - Cộng đồng vốn đã quen với những khái niệm “giải cứu” trong nông nghiệp như dưa hấu, thanh long, hành, tỏi… nhưng gần đây, mạng xã hội còn xuất hiện một khái niệm mới: “Giải cứu” phim Việt.

Thống thiết như “giải cứu” nông sản

Bộ phim “Ngốc ơi tuổi 17” vừa ra mắt mới đây đã gây ồn ào trên cộng đồng mạng. Câu chuyện bắt đầu khi nhà sản xuất (NSX) Dung Bình Dương viết “tâm thư” đăng trên Facebook của mình một cách thống thiết: “Tôi thành tâm kêu gọi cộng đồng mạng cứu lấy phim “Ngốc ơi tuổi 17”. Mỗi người hãy ủng hộ cho Dung Bình Dương xin 1 vé xem phim để cứu lấy tinh thần và sự sống của Dung Bình Dương...”.

Theo lời NSX này, bộ phim “Ngốc ơi tuổi 17” được bà đầu tư 23 tỷ đồng đang có nguy cơ lỗ nặng khi chỉ có thể thu dự kiến 5-7 tỷ đồng. Không dừng lại ở kêu gọi khán giả rủ lòng thương, NSX còn tổ chức buổi gặp gỡ báo chí trình bày việc phim của chị bị nhà phát hành xếp số suất chiếu ít ỏi và rơi vào khung giờ xấu.

Với những người lâu nay chỉ mới nghe đến cụm từ “giải cứu nông sản”, hẳn sẽ hơi “sốc” khi thấy một tác phẩm điện ảnh bây giờ cũng sẵn sàng ngửa tay xin khán giả “rủ lòng thương”. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên.

Trước đó, ê kíp đạo diễn - nhà sản xuất bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” cũng lên mạng kêu cứu: “Phim không đủ sức trụ ngoài rạp, dù mới chỉ trải qua 1 ngày công chiếu vẫn đang bị cắt suất dần khỏi các rạp và thậm chí sau 3 ngày cuối tuần, phim gần như sẽ biến mất khỏi các hệ thống rạp. Vòng đời của đứa con đầu lòng chỉ có vỏn vẹn 3 ngày và tận sâu trong lòng chúng mình không cam tâm. Chưa bao giờ chúng mình cần những bạn khán giả trẻ như lúc này. Chúng mình cần 150.000 bạn trẻ tiếp sức. Trời ơi phim chưa muốn chết”.

Đạo diễn “Thưa mẹ con đi” Trịnh Đình Lê Minh cũng từng phải lên mạng xã hội chia sẻ về chuyện bộ phim của anh bị xếp vào những khung giờ xấu, có ít suất chiếu và chủ yếu ở các rạp cách xa trung tâm thành phố. Anh mong muốn khán giả yêu điện ảnh, cộng đồng LGBT sẽ “phủ kín rạp trong tất cả suất chiếu đang được công bố” để phim có thể trụ rạp.

Trước đó, đầu năm 2019, nhà sản xuất phim “Yolo - Bạn chỉ sống một lần” cũng nhờ khán giả giải cứu dù phim mới ra rạp chưa đến một tuần. Theo đó, số lượng suất chiếu của bộ phim bị nhiều hệ thống rạp giới hạn hết mức. Đáng chú ý, ê kíp sản xuất còn đưa ra so sánh với trường hợp của phim “Song Lang” và cho rằng phim của mình kém may mắn khi vừa không được nhà phát hành ưu ái lại không có chiến dịch kêu gọi kiểu như “Cho Song Lang thêm một tuần nữa”.

Đừng trông chờ vào lòng trắc ẩn

Có một thực tế, các bộ phim được kêu gọi “giải cứu” đều không quá nổi trội và hấp dẫn. Ngoại trừ, “Thưa mẹ con đi” được đánh giá là bộ phim tròn trịa, nhẹ nhàng về người đồng tính, với phần kịch bản chỉn chu, cảm xúc. Lý do ban đầu khiến bộ phim không đến được với số đông khán giả có thể đến từ việc chọn hai diễn viên còn ít tên tuổi đóng chính và khâu quảng bá chưa rộng rãi.

Trở lại với bộ phim “Ngốc ơi tuổi 17”, dù đề cập đến việc mang thai ngoài ý muốn nhưng vẫn chạy theo mô típ tuổi học trò đã quá nhàm, chưa kể đến bối cảnh và nhân vật cũng không sát thực tế. Nội dung, kịch bản chỉ ở mức tàm tạm, khó để đọng lại trong lòng khán giả. Diễn xuất của hai diễn viên chính là Trúc Anh và Minh Khải chưa thuyết phục, còn non và gượng gạo. Trong khi đó, cùng thời điểm ra rạp, phim “Nữ hoàng băng giá 2” lại tạo ấn tượng bằng hình ảnh đẹp, nội dung chất lượng lẫn âm nhạc đầy thu hút. Cùng giá vé, tất nhiên, khán giả sẽ chọn bộ phim hoạt hình do Walt Disney sản xuất.

Nếu đã xem “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” sẽ thấy nếu bộ phim này “chết” hẳn sẽ không phải do bom tấn Hollywood “đè” hay do nhà phát hành chèn ép, bởi phim rất kén người xem. Phim chỉ hợp gu với một nhóm nhỏ đối tượng khán giả thích nhạc indie, có lối sống cá tính như hai nhân vật trong phim. Hình như do quá tự tin nên NSX cũng không đầu tư nhiều cho việc quảng bá phim trước khi ra mắt. Hai vai chính trong phim được trao cho hai diễn viên tay ngang, gần như vô danh, diễn xuất cũng không thực sự ấn tượng. Tóm lại, phim không có nhiều đặc sắc để lo bị “chết oan”.

Những bộ phim khác như “Yolo - Bạn chỉ sống một lần” cũng bị khán giả chê nội dung nhạt nhẽo, kém hấp dẫn. Được giới thiệu là bộ phim đầu tiên ở Việt Nam làm về âm nhạc và thế giới underground, nhưng những gì đạo diễn Phan Minh mang đến cho bộ phim này lại khiến khán giả hụt hẫng. Không những thế, việc xây dựng “thế giới âm nhạc ngầm” trong phim cũng rất hời hợt. Xem xong phim, khán giả khó có thể hiểu được underground là gì, và vì sao nhiều người trẻ lại đam mê dòng nhạc này. Cách xây dựng nhân vật thiếu chiều sâu khiến nam chính Soobin Hoàng Sơn “mất điểm” dù phim nói về dòng nhạc anh đang theo đuổi ngoài đời.

Việc nhà sản xuất phim tị bì với phim “Song lang” cũng khiến nhiều khán giả phải phì cười trước sự so sánh khập khiễng. “Song Lang” được đích thân các nhà làm phim, các đạo diễn đứng ra kêu gọi thêm suất chiếu không phải vì phim có chất lượng kém, mà có thể do đây là một bộ phim điện ảnh về cải lương nên khá kén khách, khó thu hút khán giả trẻ lúc ban đầu. Minh chứng là sau khi chiến dịch kêu gọi “Cho Song lang thêm một tuần” thành công, trên mạng xã hội, bao mỹ từ đã dành cho bộ phim của đạo diễn Leon Lê, trong đó có khán giả, có nghệ sĩ, có người làm nghề và cả giới phê bình.

Hầu hết các NSX khi lên mạng “cầu cứu” đều đổ lỗi phim bị ế ẩm là do nhà phát hành chèn ép, bị xếp khung giờ xấu, được trao cho ít suất chiếu… Tuy nhiên, lấy ví dụ bộ phim “Bắc Kim Thang”, ban đầu phim cũng không được xếp cho các suất chiếu đẹp, sau buổi công chiếu đầu tiên với phản ứng tốt từ khán giả, “Bắc Kim Thang” đã được tăng tối đa lượng suất chiếu trên các cụm rạp, mà không cần một lời kêu cứu nào.

Dù ra mắt cùng đợt với nhiều “bom tấn” nước ngoài nhưng rất nhiều phim Việt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả như: “Em chưa 18”, “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”… Một nhà sản xuất giấu tên nhận định thị trường điện ảnh rất sòng phẳng, khán giả thưởng thức phim bây giờ cũng rất văn minh. “Nếu phim hay họ sẽ đến ủng hộ, còn phim không hấp dẫn, không đủ sức thu hút khán giả thì dù làm bằng cách nào phim cũng thất bại”, anh nói.

Nghệ thuật không phải là thứ nên mang ra van xin lòng hảo tâm. Có lẽ, đã đến lúc các nhà làm phim ý thức được rằng dưa hấu hay hành tỏi còn có thể mua về ăn, chứ “giải cứu” một bộ phim dở thì chẳng khác gì bị tra tấn tinh thần, chưa kể cảm giác lòng thương bị hoang phí. 

Dưa hấu, hành tỏi… đến “giải cứu” phim ảnh 1 Diễn viên, nhà sản xuất phim Hồng Ánh

Nữ diễn viên, nhà sản xuất Hồng Ánh cho rằng: “Phải kêu gọi giải cứu nghĩa là mình chưa tự tin vào tác phẩm của mình. Nếu nhìn tác phẩm điện ảnh giống như một sản phẩm trên thương trường thì sự cạnh tranh đó là công bằng, bởi ở những quốc gia khác, sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều”.

MỚI - NÓNG