Đưa dân 'xóm chài' ven sông Hồng lên bờ

TP - Ngày 29/11, tại buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Quy hoạch này phải đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại và phải làm thận trọng.

Xử lý “xã hội đen” lấn chiếm đất nông nghiệp

Theo ông Chung, quy hoạch phải gắn liền với việc lập quy hoạch phân lũ các tuyến sông đi qua Hà Nội, thực hiện quy hoạch các tuyến giao thông hai bên sông và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng chảy qua nội đô.

Về tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp ở khu vực bãi sông Hồng mà cử tri phản ánh, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, đất bãi sông Hồng thuộc địa bàn các phường Tứ Liên, Phú Thượng (quận Tây Hồ) và một số vị trí thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Hiện có tình trạng một số đối tượng, trong đó có cả sự tham gia của “xã hội đen” lấn chiếm đất nông nghiệp, xây nhà cấp 4 để bán. Thành phố đã nắm rõ tình trạng này và chỉ đạo các quận xử lý. “Thời gian tới, các trường hợp lấn chiếm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Liên quan đến khu đất 282 Lạc Long Quân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố nhất quán thu hồi khu đất này, giao quận Tây Hồ lập dự án xây dựng trường mầm non công lập. Dự án đã đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2018 – 2020 và sẽ thông qua tại phiên họp HĐND tháng 12 tới. Sau đó, thành phố sẽ thu hồi đất giao cho quận thực hiện, đồng thời bố trí khu vực khác để Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng UDIC làm dự án khác. Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Đức Chung đã thông tin về việc thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2017, gắn với việc chấn chỉnh thái độ phục vụ, ứng xử của công chức, viên chức thủ đô. Theo Chủ tịch Hà Nội, tính đến ngày 30/10, thành phố đã hoàn thành kết nối mạng lan liên thông từ thành phố đến 18 sở, 30 quận huyện và 584 phường xã, 607 thủ tục được thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và 4. Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ thực hiện 32% dịch vụ công cấp độ 3, 4 và thực hiện 100% vào năm 2020, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra cho Hà Nội.

Đưa dân “xóm chài” ven sông Hồng lên bờ

“Xóm chài” ven sông Hồng còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, đó là hàng chục hộ dân tự chắp ghép những thùng phuy, hộp xốp lại với nhau một cách tạm bợ trên khúc sông hẹp khu vực phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Họ chủ yếu ở các tỉnh thành khác nhau, lên Hà Nội làm ăn rồi kiếm tạm chỗ ở trên sông để giảm chi phí sinh hoạt. Mỗi lần lũ lên là một lần cuộc sống trở nên bấp bênh, nguy cơ cháy nổ, bệnh tật… luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Ghi nhận tại bãi Phúc Xá vào những ngày cuối tháng 11, toàn bộ khu vực ven sông đã không còn bóng thuyền chài. Toàn bộ nhà thuyền tự chế trước đây đã được tháo dỡ, di dời. Lác đác chỉ còn vài nơi bà con quây lưới bắt cá, nhưng toàn bộ sinh hoạt đã được chuyển lên bờ. Được biết, từ ngày 2/11, UBND phường Phúc Xá đã tổ chức vận động, đưa toàn bộ 13 hộ dân sống trên mặt nước lên bờ sinh sống ổn định. Bà Trần Thị Tuyết, 68 tuổi cho biết, cuộc sống trên thuyền rất bấp bênh, nguy cơ lũ cuốn, cháy nổ lúc nào cũng có. Vài năm trước, đã từng có vụ cháy do đun bếp than khiến cả nhà thuyền bị thiêu rụi. Nhưng vì điều kiện không có nên đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Đến nay đã gần 1 tháng chuyển lên nơi ở trên bờ, thực sự người dân cũng yên tâm hơn nhiều.

Ông Minh, một người dân mới chuyển lên bờ kể lại, mỗi lần lũ lên, sinh hoạt của cả gia đình bị đình trệ, các cháu nhỏ thậm chí phải nghỉ học vì đi lại khó khăn. Nay chỗ ở tuy chật hẹp nhưng cuộc sống thuận tiện hơn nhiều.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Dương Hải cho biết, việc đưa các hộ dân lên bờ sinh sống cũng gặp một số khó khăn do các hộ đã quen với cuộc sống lênh đênh nhiều năm. Tuy nhiên, phường đã tổ chức nhiều cuộc họp, vận động người dân. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng, trong đó 1,5 triệu đồng hỗ trợ thuê nhà và 500 nghìn đồng là tiền tháo dỡ, vận chuyển nhà thuyền. Trong 13 hộ dân di dời, 7 hộ chọn giải pháp thuê nhà ở phường Phúc Xá, 4 hộ thuê nhà tại các phường lân cận là Chương Dương, Bạch Đằng, Yên Phụ và 2 hộ chuyển về quê sinh sống. UBND phường cũng đã đề nghị các chủ nhà trọ hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà để các hộ dân chuyển lên bờ an tâm sinh sống.

Ông Đỗ Trần Chung, cán bộ phường cho biết thêm, các hộ dân “xóm chài” cũ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cuộc sống, Quỹ vì người nghèo của phường cũng được trích ra hỗ trợ người dân. Để đảm bảo người dân không quay lại cảnh sống lênh đênh sông nước, phường đã giao các lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát để không phát sinh dân sống trên thuyền bè. Đảm bảo an sinh, trật tự xã hội tại địa phương.

Hiện có tình trạng một số đối tượng, trong đó có cả sự tham gia của “xã hội đen” lấn chiếm đất nông nghiệp, xây nhà cấp 4 để bán. Thành phố đã nắm rõ tình trạng này và chỉ đạo các quận xử lý. “Thời gian tới, các trường hợp lấn chiếm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG