> Du xuân trảy hội lồng tồng
> Nhộn nhịp du Xuân Đà Nẵng
Phủ Quỳ đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo. Câu ca xưa không còn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Miền Tây xứ Nghệ hôm nay, hai bên đường Hồ Chí Minh mở ra bát ngát những vườn cao su, cà phê, mía. Chúng tôi có mặt ở thị xã Thái Hoà - thủ phủ của Phủ Quỳ xưa, kịp dự vòng loại cuộc thi “Người đẹp làng Vạc” đang diễn ra tại Trung tâm Văn hoá của thị xã...
Một mét bảy ba, đó là chiều cao của Nguyễn Thị Hương Lúa. Cô gái sinh năm 1994, đến từ xã Đông Hiếu, có cái tên nghe dễ thương là thí sinh cao nhất trong số các kiều nữ dự cuộc thi “Người đẹp làng Vạc”. Phần thi năng khiếu, Hương Lúa thể hiện bài hát “Bóng cây kơ-nia”.
Bất ngờ chiếc micro không dây hết pin, khi cô mới ngân nga những câu đầu tiên. Không chút lúng túng, Hương Lúa nở nụ cười tươi rói rồi đưa tay chỉ chiếc micro, ra hiệu với bộ phận loa máy. Một chiếc micro khác được chuyển lên sân khấu. Hương Lúa tự tin tiếp tục thể hiện bài hát của mình.
Dễ nhận thấy các cô gái thị xã Thái Hoà tham gia cuộc thi “Người đẹp làng Vạc” đều tự tin như Hương Lúa.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh sinh năm 1995, cao một mét sáu bảy, đến từ phường Quang Phong, múa “Cây trúc xinh” uyển chuyển duyên dáng với nhiều động tác khó. Ước mơ của Ngọc Ánh: trở thành diễn viên múa, hoặc diễn viên gì cũng được, nhưng phải “nổi tiếng”.
Thí sinh “Người đẹp làng Vạc” biểu võ thuật. |
Thái Thị Hoa, sinh năm 1992, cao một mét sáu bảy, đến từ xã Nghĩa Hoà - xã có làng Vạc được đặt tên chung cho cả cuộc thi. Ước mơ của Hoa: trở thành hướng dẫn viên du lịch để được “đi nhiều, nói lắm”. Phần thi năng khiếu, Hoa chọn hình thức kể chuyện, “Bác Hồ ở đền Hùng”. Câu chuyện quen thuộc với mỗi người Việt Nam, song qua giọng kể cách kể của Hoa, vẫn rất sinh động và giàu cảm xúc.
Trần Thị Phương Đông, sinh năm 1995, cao một mét bảy mươi, đến từ xã Tây Hiếu, ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt. Biểu diễn xong trang phục áo dài truyền thống, Phương Đông thay ngay quần áo võ, trở ra sân khấu, xuống tấn, vận khí, rồi... ào ào “tung chưởng” đầy dũng mãnh.
Đây chỉ là cuộc thi sơ khảo, giúp các thí sinh làm quen với nhau, làm quen với sân khấu, từ đó phối hợp để tạo ra một màn trình diễn hấp dẫn trong lễ hội chính thức sẽ được tổ chức tại sân khấu ngoài trời hoành tráng ở làng Vạc.
Rời Trung tâm Văn hoá thị xã Thái Hoà, chúng tôi đến làng Vạc, nơi sẽ diễn ra lễ hội vào các ngày từ 11 đến 13-3 tới đây. Một hồ nước uốn lượn thơ mộng. Mưa bụi giăng mờ những cánh rừng cao su đang mùa trụi lá. Cò bay từng đàn chấp chới mặt hồ. Phần hội sẽ diễn ra phía bên kia hồ, các hoạt động của tuổi trẻ như cắm trại, thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, thi người đẹp... Phần lễ được tổ chức bên này, tại tổ hợp di tích Đền làng vạc và Nhà trưng bày cổ vật. Chính việc đào hồ đắp đập (năm 1972), hàng trăm cổ vật quý hiếm thuộc văn hoá Đông Sơn đủ cả đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đã được tìm thấy. Cái tên “làng Vạc” nổi tiếng từ đó...
Đền làng Vạc thờ Vua Hùng và bốn nhân thần của làng, gồm hai vị tướng Cao Sơn, Cao Các, và hai công chúa Ngọc Dung, Thái Giang. Tượng Vua Hùng đội mũ lông công uy nghi, là một pho tượng đẹp. Riêng chiếc kiếm dựng bên đức Vua, có lẽ vỏ kiếm mang hoạ tiết không phải đặc trưng thời kỳ Đông Sơn. Nhà trưng bày cổ vật hơi sơ sài. Nghe nói những cổ vật đẹp nhất đã được đưa về bảo tàng Nghệ An và bảo tàng trung ương. Một thời làng Vạc rộ lên nạn đào bới cổ vật, Tiền Phong có bài phản ánh, đến giờ nạn này đã được giải quyết triệt để...
Vì sao có tên là làng Vạc?
Cụ ông Lê Văn Thái, dân tộc Thổ, 72 tuổi, thủ đền làng Vạc, giải thích cho chúng tôi: “Chuyện này tôi nghe bố tôi kể. Bố tôi nghe ông tôi kể. Ông tôi nghe cụ tôi kể, không biết ai là người kể đầu tiên. Bố tôi kể là, ngày xưa, dân làng tôi đây đúc được một cái vạc đồng thật to. Cái vạc này to lắm, đổ cho đầy cũng phải mấy gánh nước. Dân làng tôi đi săn, được con hươu, con nai, con gấu, đều đem về cho vào cái vạc này mà luộc chín, rồi tất cả cùng ăn chung”.
Cụ thủ từ đền làng Vạc. |
Cụ Thái kéo chúng tôi ra sân đền, từ đây có thể ngắm phong cảnh cả vùng: “Một năm nọ, lũ giặc tràn đến vùng này. Bấy giờ ở bìa làng còn có cái đầm lớn, rộng hơn ba mẫu, cỏ lác lau sậy ngút ngàn. Trâu bò sa chân xuống đấy, cứ chìm dần, chìm dần, cho đến khi không thấy nữa. Dân làng lo sợ bọn giặc lấy mất đi cái vạc quý, bèn đem cái vạc ra dìm xuống đầm lầy”.
“Khi lũ giặc bị đánh tan, nhiều người có ý tìm lại cái vạc. Nhưng đầm lầy mênh mông, nguy hiểm khôn lường, biết cái vạc ở chỗ nào, ai mà vớt lên cho được? Rồi đời sau, đời sau nữa, ai cũng biết làng tôi có cái vạc to vẫn nằm dưới đầm lầy, nhưng chưa ai tìm thấy. Câu chuyện kể lại đời này qua đời khác, vùng này qua vùng khác, làng tôi được gọi làng Vạc là vì vậy”.
Hàng chục ngàn du khách về đây dự lễ và dự hội sẽ được chứng kiến được chiêm ngưỡng sức mạnh và vẻ đẹp thế hệ 9X, những chàng trai cô gái đang tạo ra sức sống mới ở miền Tây xứ Nghệ. Và có lẽ không khỏi bâng khuâng về câu chuyện chiếc vạc đồng được kể từ đời này qua đời khác...