Dự thảo mới thay thế Nghị định 86: E ngại hết thời xe giá rẻ

Dự thảo mới thay thế Nghị định 86: E ngại hết thời xe giá rẻ
Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu một số quy định tại Tờ trình dự thảo thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ được thông qua sẽ kéo lĩnh vực vận tải đi thụt lùi.

Lĩnh vực vận tải thụt lùi

Trước thông tin về việc Bộ GTVT đề xuất sẽ quản xe công nghệ như taxi truyền thống, anh Nguyễn Tuấn (quận Phú Nhuận TP.HCM) không khỏi băn khoăn về số phận tài xế công nghệ của mình. Là thu nhập chính trong gia đình, anh đang băn khoăn không biết số phận của mình sẽ như thế trong thời gian tới.

Chỉ trong vòng 2 tháng, Bộ GTVT đã thay đổi hoàn toàn dự thảo trước đó và đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của một số cơ quan, hiệp hội đưa vào Tờ trình Chính phủ mới các quy định về quản lý xe hợp đồng điện tử. Theo đó, tờ trình này gần như “đi ngược” lại với chính nội dung đề xuất của Bộ GTVT trong tờ trình trước đó (cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018).

Sở dĩ anh Tuấn và nhiều tài xế công nghệ khác tỏ ra lo lắng vì sự thay đổi về quản lý mô hình xe công nghệ có thể khiến giá cả tăng, người dùng sẽ ít đi.

Theo các chuyên gia kinh tế, với tờ trình dự thảo này, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào kết nối dịch vụ vận tải như Grab, Uber, Fastgo…, sẽ phải hoạt động không khác gì một doanh nghiệp taxi truyền thống với việc tổ chức, vận hành như các công ty truyền thống, thuê tài xế, đầu tư bến bãi, bộ máy nhân sự quản lý….

Ngoài ra, các tài xế công nghệ thay vì được xác nhận ký hợp đồng điện tử cho các cuốc xe thì sẽ phải luôn mang theo giấy bút và cho khách hàng đọc, ký hợp đồng trước khi chính thức nhận hành trình. Điều này không những mất thêm nhiều thời gian, mà còn có thể đẩy chi phí vận hành của các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối xe công nghệ lên rất cao, không khả thi thực hiện khi số lượng tài xế hợp tác với là hàng chục ngàn người.

Quản lý quay về thời 0.4?

Tính đến nay, chỉ sau vài năm có mặt nhưng tại các thành phố, mô hình xe công nghệ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Đơn cử như thống kê của Grab cho thấy, với đối tác tài xế toàn thời gian có thu nhập trung bình tính theo tháng cao hơn 100% so với mức trung bình; hiệu suất sử dụng xe GrabCar trên 70% giúp tăng năng suất cho tài xế và tăng hiệu quả giao thông, tỷ lệ xe chạy rỗng thấp.

Theo phía Grab, con số ấn tượng này có thể không còn nữa nếu quy định tại Dự thảo Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ được thông qua. Thu nhập của tài xế sẽ giảm sút, thậm chí là mất đi việc làm của hàng nghìn tài xế. Và đây sẽ là gánh nặng cho xã hội vì khi Nghị định mới được thông qua, các công ty gọi xe theo mô hình kinh tế chia sẻ khác sẽ hoàn toàn tê liệt. Còn các công ty taxi truyền thống cũng không thể thu nhận nổi số lượng lao động lớn đến như vậy..

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO cho rằng Grab hay Uber là mô hình mới, quản lý không dễ. Trong tình hình xã hội thay đổi quá nhanh, bắt buộc phải có điều chỉnh và đành phải chấp nhận một số bất cập chưa thể cải thiện. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên một cơ sở logic, tư duy nguyên tắc rõ ràng, hợp lý. “Nhưng việc loại khái niệm mới, đẩy tất cả về mô hình cũ là không thể chấp nhận được”, ông Đức nói.

Đáng quan ngại hơn, nếu “tham mưu” của Bộ GTVT được chấp thuận, người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội được sử dụng một dịch vụ vận tải văn minh, giá cả hợp lý để quay lại thời “taxi vẫy”.

MỚI - NÓNG