Dự thảo Luật Thủ đô: 20 quy chế đặc thù

Tại cuộc họp của UBTVQH ngày 15-9
Tại cuộc họp của UBTVQH ngày 15-9
TP - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC - NS) Phùng Quốc Hiển tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bàn về Dự thảo Luật Thủ đô, chiều 15-9, cho biết: Hà Nội được hưởng 20 quy chế đặc thù.
Tại cuộc họp của UBTVQH ngày 15-9
Tại cuộc họp của UBTVQH ngày 15-9. Ảnh: VPQH

Băn khoăn

Dự thảo luật quy định cho Hà Nội được hưởng 20 quy chế đặc thù, chưa có trong các luật hiện hành, chẳng hạn: Được tăng mức xử phạt trong 6 lĩnh vực vi phạm hành chính lên tối đa 3 lần mức chung cả nước; được giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán để phát triển thủ đô…

Tán thành việc cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, dự thảo đưa ra một số vấn đề không mới so với các địa phương khác như vấn đề quản lý quy hoạch, tiết kiệm trong sử dụng đất và có cảm giác 20 cơ chế là nhiều.

Riêng cơ chế tài chính nên quy định để Hà Nội được giữ lại các khoản thu cao hơn các địa phương khác, nhưng phải có thời hạn nhất định, khoảng 10 năm, không phải mãi mãi hưởng như thế.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UBPL lưu ý, khi tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách trung ương cho Hà Nội sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách nhà nước. Dự toán ngân sách năm 2010 theo Nghị quyết của QH, tổng chi cân đối ngân sách địa phương của Hà Nội khoảng 29 ngàn tỷ đồng, cao hơn tổng chi của 14 tỉnh phía Bắc cộng lại (chỉ có 27 ngàn tỷ đồng).

Có ý kiến cho rằng, một số cơ chế chưa hợp lý như cơ chế tăng mức xử phạt vi phạm. “Việc áp dụng mức phạt ở Hà Nội cao hơn các tỉnh chưa hợp lý. Để giải quyết ùn tắc giao thông, sao không đặt vấn đề mở rộng thêm các tuyến đường, tức là giải quyết vấn đề hạ tầng mà lại đặt vấn đề tăng xử phạt, tăng mức thu phí cao hơn, cần cân nhắc”- Ông Hiền nói.

“Có cảm giác sự đóng góp của các bộ, ngành vào dự thảo chưa nhiều, mới chủ yếu là Bộ Tư pháp, các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải cần có ý kiến về những vấn đề liên quan”- Chủ nhiệm UBTC - NS Phùng Quốc Hiển, đề nghị.

Ông cho rằng, không nên ban hành một luật quá rộng, đưa ra quá nhiều vấn đề, nhưng lại chưa có tính đặc thù cho Thủ đô, và có thể áp dụng cho bất cứ tỉnh nào như Hà Giang, Tuyên Quang cũng được. “Tham quá (việc đưa ra quá nhiều quy định, cơ chế riêng - PV) sẽ phá vỡ ngay hệ thống pháp luật của chúng ta” - Ông Hiển phát biểu.

“Phải nghiên cứu lại cơ chế đặc thù cho thủ đô. Đọc dự thảo, chúng tôi chưa thấy được những cơ chế, điều kiện cho một thủ đô trong tương lai” - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nói.

Dùng hành chính quản lý dân cư: Không hiệu quả

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận cho biết: Thường trực UBPL rất băn khoăn với quy định tại điều 24 dự luật: “Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với việc quản lý dân cư với quy mô, mật độ, cơ cấu quản lý theo qui hoạch chung của thủ đô”.

Theo Ủy ban này, một thời gian dài trước đây, chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không đem lại hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm…

Giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo qui hoạch thủ đô, tức dùng các giải pháp kinh tế xã hội, như chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất…ra khỏi vùng nội thành; xây dựng các đô thị vệ tinh, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, giao thông công cộng thuận tiện kết nối nội thành với ngoại thành. Không nên dùng biện pháp hành chính quản lý dân cư.

“Quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di dân từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thuận lợi hơn là qui luật của sự phát triển. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công. Vì vậy, đề nghị cân nhắc việc ban hành qui định về điều kiện cư trú ở nội thành”- Ông Thuận kiến nghị.

Đề nghị thừa nhận tố cáo nặc danh

Thảo luận về Luật tố cáo, sáng 15-9, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần thừa nhận tố cáo nặc danh là hình thức tố cáo hợp pháp. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành không công nhận hình thức tố cáo nặc danh, nhưng hình thức này vẫn diễn ra phổ biến.

Nguyên nhân là do bản thân việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người tố cáo, nhất là hiện nay quy định bảo vệ người tố cáo còn hạn chế. Việc tố cáo các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong cùng đơn vị thường bị trù úm, liên lụy nên người tố cáo không dám ghi rõ tên họ, địa chỉ.

Nếu không quy định giải quyết tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, bỏ lọt không xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố giác. Đồng thời, công ước quốc tế về chống tham nhũng mà VN vừa ký kết cũng khuyến cáo các nước thành viên tiến hành các biện pháp thích hợp để công chúng thông báo, kể cả hình thức nặc danh về bất kỳ hành vi, sự kiện nào có cấu thành tội phạm.

MỚI - NÓNG