Ngày mai hơn 910.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2014:

Dự phòng những bất thường

TP - Ngày mai, hơn 910.000 học sinh trong cả nước bắt đầu dự thi những môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 - kỳ thi đầu tiên cho phép tự lựa chọn môn thi.

Năm nay, kỳ thi có nhiều nét khác biệt so với mọi năm. Số môn được tổ chức thi là tám, thay vì sáu như trước đây. Tuy nhiên, học sinh chỉ phải dự thi bốn môn. Trong đó hai môn toán và văn là bắt buộc; hai môn còn lại tùy từng thí sinh chọn trong số sáu môn lý, hóa, sinh, địa, sử, ngoại ngữ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, môn hóa có đông thí sinh chọn nhất - khoảng gần 525.000 em. Môn lý cũng khá đông thí sinh đăng ký dự thi - gần 438.000 em. Môn sử có ít thí sinh dự thi nhất - gần 105.000 em. Ngoại ngữ cũng thuộc diện ít được thí sinh lựa chọn - hơn 144.000 em.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc lựa chọn thi môn nào của thí sinh phù hợp với điều kiện dạy học của từng địa phương, vùng miền trên cả nước, đặc biệt đã thể hiện được sự khác biệt giữa đô thị lớn, thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời gắn liền với định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh mà trực tiếp là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (liên quan tới lựa chọn các khối thi).

Bộ GD&ĐT cũng công nhận việc môn lịch sử và ngoại ngữ có tỷ lệ lựa chọn thấp cũng phần nào phản ánh sự bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học và chất lượng thực tế các môn học này trong các trường THPT hiện nay.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, công tác chuẩn bị thi cho đến trước ngày thi khoảng một tuần lễ đã được hoàn tất. Ngoài việc ban hành các văn bản pháp quy, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình và giúp các cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các Sở GD&ĐT cũng đều đã tiến hành các công việc cần thiết nhằm chuẩn bị cho kỳ thi như tập huấn nghiệp vụ coi thi, tổ chức in sao đề thi, phối hợp với các lực lượng trong xã hội nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi, xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó kịp thời các tình huống bất thường xảy ra.

Các Sở đã chỉ đạo các trường phổ thông siết chặt kỷ cương trong kiểm tra đánh giá. Giải pháp là cho điểm học sinh bằng cách đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm quản lý điểm; nêu cao ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh; tăng cường vai trò giám sát của giáo viên, học sinh, phụ huynh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm.

Ông Mai Văn Trinh nói: “Nhiều Sở GD&ĐT đã tổ chức thi thử để tập dượt, rút kinh nghiệm nhằm tổ chức thi tốt. Qua thi thử cho thấy, hầu hết các khâu tổ chức được thực hiện trôi chảy, thuận lợi”.

MỚI - NÓNG