Du lịch Việt sắp có hàng triệu USD xúc tiến hình ảnh

Khách quốc tế vui chơi tại một resort ở Cam Ranh. Ảnh: Đào Loan
Khách quốc tế vui chơi tại một resort ở Cam Ranh. Ảnh: Đào Loan
Từ 1-2-2019, ngành du lịch sẽ có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với vốn điều lệ là 300 tỉ đồng và kinh phí hoạt động hàng năm lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Chức năng chính của quỹ là xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động du lịch khác.

Theo quyết định phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, quỹ có tên tiếng Anh là Vietnam Tourism Development Fund, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.

Vốn điều lệ 300 tỉ đồng sẽ được ngân sách trung ương cấp trong ba năm đầu sau khi hoạt động. Thêm vào đó, kinh phí hoạt động hàng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hàng năm từ nguồn cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh cho người nước ngoài cùng 5% tổng số thu nộp ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí tham quan.

Quỹ có chức năng chính là xây dựng, bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch.

Dựa trên quy định này, có thể thấy ngành du lịch sẽ có nguồn quỹ rất lớn để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh và mở rộng thị trường. Trong đó, chỉ tính riêng nguồn thu từ 10% của tổng số thu nộp ngân sách hàng năm từ nguồn cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh của người nước ngoài có thể đem đến hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Hiện tại, chính phủ đã ban hành chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế trên các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc và đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 13 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Nga, Bê-la-rút, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và cho quan chức Ban Thư ký ASEAN. Ngoài ra, gần như công dân các nước ASEAN đến Việt Nam cũng được miễn thị thực.

Tuy chưa có số liệu công bố chính thức nhưng dựa vào số lượng khách quốc tế đến từ Tổng cục Du lịch và danh sách công dân các nước được miễn thị thực thì có thể thấy, mỗi năm có hàng triệu lượt khách quốc tế phải xin thị thực vào Việt Nam. Theo thông tư số 219/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, phí cấp thị thực có giá trị một lần là 25 đô la/chiếc, loại có giá trị ba tháng có phí 50 đô la, loại 3-6 tháng là 95 đô la, phí thị thực cho khách quá cảnh đường hàng không và đường biển vào tham quan, du lịch là 5 đô la/lần.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, 11 tháng của năm 2018 có hơn 14 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, lượng khách đến từ các thị trường lớn và chưa được miễn thị thực gồm Trung Quốc với 4,56 triệu lượt, Đài Loan 649.747 lượt, Mỹ với 632.335 lượt, Canada với 136.336 lượt, Úc 335.925... Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, có những người sinh sống ở vùng biên giới giáp Việt Nam không phải xin thị thực mà chỉ phải xin giấy thông hành.

Cũng trong quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ quy định, chủ tịch quỹ phải là người Việt Nam, đáp ứng những điều kiện về trình độ học vấn, năng lực dân sự và phải không có mối quan hệ thân thiết với bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, kiểm soát viên, giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng của quỹ. Những người có muốn quan hệ thân thiết là vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con nuôi, con đẻ, anh chị em ruột, anh rể, chị dâu...

Theo Theo TBKTSG
MỚI - NÓNG