Tua tri ân
Giữa tháng 9/2021, huyện “vùng xanh” Cần Giờ, Củ Chi mở cửa du lịch đón hàng trăm du khách tham quan, đặc biệt là các y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc và hỗ trợ TPHCM chống dịch.
Du khách tham quan Citytour tại TPHCM |
Lúc đó tại Cần Giờ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự, Phó Trưởng Khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Da liễu Trung ương xúc động chia sẻ, đây là chuyến đi du lịch rất có ý nghĩa. “Trước đây, chúng tôi chỉ nghe kể về chiến khu Rừng Sác qua sách báo, tivi, nay tận mắt chứng kiến, đặc biệt trong thời điểm đại dịch thật là thú vị”.
Tháp tùng 32 y bác sĩ tỉnh Cao Bằng tham quan khu Đầm Dơi, trải nghiệm câu cá sấu, điều dưỡng Bế Linh Chi nói: “Chưa bao giờ em đi du lịch trong một tâm trạng vui như thế này. TPHCM kiểm soát được dịch, số ca tử vong giảm đi nhiều… thì tụi em mới có thể tạm xem là hoàn thành nhiệm vụ và có thể đi đó đây. Em mong rằng đại dịch sẽ qua mau để mọi thứ trở lại như cũ”.
Tiếp theo tua tri ân, các chuyến đi xúc tiến hợp tác từ TPHCM với các tỉnh lân cận như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Nai… rồi ra tận phía Bắc liên tục được triển khai. Bắt đầu từ đây cũng hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới lạ.
Ngoài điểm đến truyền thống Cần Giờ và Củ Chi, ngành du lịch mạnh dạn bắt tay cùng doanh nghiệp đưa những tua mới tham quan thành phố Thủ Đức, “Bình Chánh - những điều chưa kể”, “Hóc Môn - trên bến dưới thuyền”.
Đầu tháng 12, tua khám phá Bình Chánh được triển khai dựa trên các điểm đến văn hóa, tâm linh, lịch sử và sinh thái sẵn có của địa phương. Đến Bình Chánh, khách tham quan khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chùa Phật cô đơn, làng nghề làm nhang gần 100 năm ở xã Lê Minh Xuân, công viên Văn hóa Láng Le; trải nghiệm đạp xe hóng gió mát trong cánh rừng Lê Minh Xuân, hái đọt choại, chèo xuồng, ngâm chân thảo dược...
Sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, thành phố mạnh dạn đề xuất cho phép nơi đây được đón khách quốc tế từ đầu năm 2022.
Hóc Môn cũng không kém phần hấp dẫn với tua “Trên bến dưới thuyền”, du khách tham quan di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng, đình Bình Nhan… trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc qua câu chuyện kể về “18 thôn vườn trầu”, đi thuyền, ngắm nhìn sông Sài Gòn với bầu không khí thoáng đãng.
Tua tham quan TP Thủ Đức là một trong 7 tuyến điểm được ngành du lịch TPHCM triển khai từ cuối tháng 11/2021 nhằm khuyến khích người dân du lịch nội đô. Khách di chuyển đến điểm tham quan bằng buýt đường sông từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông. Trên đường đi, du khách ngắm nhìn những công trình kiến trúc nổi tiếng tiêu biểu, gắn với quá trình phát triển của thành phố như Landmark 81, cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm...
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Từ tháng 10/2021, ngay khi thành phố ban hành chương trình phục hồi kinh tế, du lịch là ngành đầu tiên làm kế hoạch riêng cho chương trình này. Hiện nay du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 10% trong GRDP của TPHCM.
Các điểm tiếp theo là đền tưởng niệm các Vua Hùng lớn nhất tại Nam Bộ, Bảo tàng Áo Dài, nơi gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh quốc phục của Việt Nam, tận hưởng không gian thoáng mát như những nhà vườn xưa.
Tháo điểm nghẽn
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, theo kế hoạch phục hồi mà thành phố đưa ra có 3 giai đoạn. Hiện ngành này thực hiện theo đúng lộ trình và ở giai đoạn 2. Theo bà Hoa có một số kết quả đáng ghi nhận khi du lịch đã tạo ra sức sống mới cho chính ngành đang rất khó khăn, tạo niềm tin để doanh nghiệp trụ vững và tiếp bước phía trước nhằm lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.
“Chúng tôi mong các địa phương nghiên cứu, tổ chức một cách đồng bộ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Du lịch có hướng dẫn chung để các đơn vị quản lý ngành ở các địa phương, nhất là trong trường hợp phát hiện ca F0 thế nào để không ảnh hưởng đến tua; hay xe đưa khách đi ngang vùng đỏ để đến vùng xanh... “- bà Hoa nói.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, cần ưu tiên phục hồi du lịch. “Nếu làm chậm, để nhóm doanh nghiệp này “liệt” rồi thì dù có bơm tiền cũng không thể vực lại được. Ông Lịch hiến kế, nên mở cửa hàng không. Theo ông, hàng không và du lịch là hai phạm trù song đôi, không thể mở một nửa.
“Mở cửa du lịch, không còn thời gian để chần chừ. Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là hàng không để phục hồi ngay trong mùa tết sắp tới”, ông Lịch nói.