Du lịch sinh thái phá rừng

Du lịch sinh thái phá rừng
TP - Trong số diện tích đất rừng trên đảo Phú Quốc đang bị chặt phá, có cả rừng tại các dự án du lịch sinh thái (DLST).

> Kiểm tra tình trạng chặt phá rừng ở Phú Quốc

Một khu rừng rậm trong dự án của Cty Lan Anh ở xã Cửa Cạn bị chặt phá để nhận tiền “thành quả lao động” trên 2 tỷ đồng
Một khu rừng rậm trong dự án của Cty Lan Anh ở xã Cửa Cạn bị chặt phá để nhận tiền “thành quả lao động” trên 2 tỷ đồng.

Trên đảo Phú Quốc có nhiều dự án DLST đã được chấp thuận đầu tư. Các dự án này có diện tích rộng lớn và hầu hết là đất rừng, có cả rừng nguyên sinh. Thế nhưng sau khi rừng được giao cho nhà đầu tư, chúng lại chặt phá bừa bãi.

Cty Lan Anh được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu DLST Vũng Bầu, diện tích 267 ha, tại xã Cửa Cạn (Phú Quốc) vào ngày 2-6-2008.

Đây là dự án DLST nên việc bảo vệ và phát triển rừng là bắt buộc. Dự án chưa được triển khai, nhưng tình trạng chặt phá rừng vô tội vạ đã diễn ra.

Theo điều tra của Tiền Phong, một khu rừng tại ấp IV nằm trong vùng dự án đã bị người dân chặt phá, phát dọn, trồng cây rộng trên 30.000m2. Mục đích là để nhận tiền bồi thường.

Phần rừng bị chặt phá trước khi giao cho Cty Lan Anh thuộc trách nhiệm của Vườn quốc gia Phú Quốc (VQGPQ) và xã Cửa Cạn quản lí.

Một nguồn tin của cơ quan điều tra cho biết sẽ thu hồi lại tiền bồi thường nói trên vì là đất rừng, không có thành quả lao động.

Cũng tại dự án DLST thuộc Cty Lan Anh nằm trên ấp IV, vào đầu năm 2011 hàng chục cây gỗ lớn, đường kính từ 30-50cm đã bị đốn hạ.

Đây là những cây gỗ thuộc nhóm V đến nhóm VII như: trâm, cầy, kim cang dầu… Trong một cuộc họp báo cáo sự việc vào cuối tuần qua với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, ngành chức năng huyện Phú Quốc cho biết vụ việc được chính quyền xã và kiểm lâm huyện cho phép(!?)

Ông Nguyễn Văn Be - một người dân đã làm đơn tố cáo vụ việc phá rừng, trong đó có liên quan ông Bí thư xã Nhan Văn Truyền.

Đại diện Cty Lan Anh tại Phú Quốc - ông Nguyễn Phát Lực nói: “Tôi có nghe dư luận nói có việc lấn chiếm đất rừng trong dự án để nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên do không trực tiếp chi trả tiền nên không biết cụ thể”.

Năm 2008 Cty TNHH Starbay Việt Nam được UBND tỉnh Kiên Giang cấp phép đầu tư tại Bãi Dài thuộc xã Ghềnh Dầu, diện tích 540 ha chủ yếu đất thuộc VQGPQ quản lý.

Siêu dự án này có số vốn lên tới 1,8 tỷ USD, với các hạng mục nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, sân golf và DLST rừng…, đang nằm bất động nhưng những cánh rừng nguyên sinh nơi đây đã bị chặt phá ào ạt.

Từ mé rừng ven biển lội sâu vào khoảng gần 1km là ngổn ngang cây rừng vừa bị đốn hạ, diện tích ước khoảng 5 ha. Các loại cây trâm, mè điếc, huỷnh, dầu mít, kiền kiền… nằm chồng chất.

Đi gần một tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa hết vùng rừng bị thảm sát. Chưa rõ thủ phạm phá rừng là ai và việc chặt phá nhằm mục đích gì.

Ông Quốc Anh - Phó ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng muốn tìm gặp đại diện phía Starbay để trao đổi một số việc liên quan dự án nhưng chưa liên lạc được”. Kiểm lâm Phú Quốc nói khi rừng đã giao cho dự án thì không còn trách nhiệm của họ, dù đó là vùng lõi thuộc vườn quốc gia.

Trên đảo Phú Quốc, mấy năm qua, rừng và đất rừng đã bị chặt phá, bị bao chiếm một cách hỗn loạn. Chỉ cần vài chục triệu đồng là có thể mua được 1.000m2 đất rừng bằng giấy viết tay.

Người mua sau đó mặc sức trồng cây, rào khoanh lại để chờ… bồi thường hoặc hợp thức hoá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG