Du lịch ĐBSCL thiệt hại nặng do dịch COVID - 19

TPO - Ngày 29/5, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL.  
Du lịch ĐBSCL thiệt hại nặng do dịch COVID - 19 ảnh 1

Khách du lịch trải nghiệm miền sông nước 

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Du lịch là một trong các ngành bị ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 giảm 68,1% và tháng 4/2020 giảm 98,2% so với cùng kỳ 2019. Các cơ sở lưu trú, du lịch lữ hành, các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí… từ hoạt động cầm chừng đến đóng cửa, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, 100% hướng dẫn viên du lịch phải tạm ngưng hành nghề, nhiều người lao động phải nghỉ việc do doanh nghiệp tạm dừng và thu hẹp hoạt động…

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố ĐBSCL, kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2020 toàn vùng ĐBSCL so với cùng kỳ 2019 về tổng số khách đến giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% (nguồn khách chủ yếu tập trung vào tháng 1 và 2 năm 2020). 

Du lịch ĐBSCL thiệt hại nặng do dịch COVID - 19 ảnh 2 Khách tham quan vùng sông nước miền tây 

Sau thời gian dài đóng băng, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ đã cho phép nới lỏng giãn cách xã hội và cho mở cửa hầu hết các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh còn kéo dài, hoạt động du lịch sẽ không thể phục hồi ngay được.

Về du lịch quốc tế, do tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát và do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, người nước ngoài chưa được nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nên khả năng phục hồi thị trường du lịch quốc tế cần phải có thời gian. Du lịch trong nước thì người dân vẫncòn tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại nhất là đi du lịch.

Ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết, ngành du lịch phải thực hiện mục tiêu kép là Vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục thị trường; đồng thời góp phần giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động nhất là việc làm cho người lao động bị mất việc vì dịch bệnh COVID. Ngoài ra, tạo điều kiện tốt nhất và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch COVID - 19 cho người dân đi tham quan du lịch.

Du lịch ĐBSCL thiệt hại nặng do dịch COVID - 19 ảnh 3 Khách tham quan nghề truyền thống    ẢNH: HÒA HỘI 

Chương trình được triển khai trên phạm vi ĐBSCL, thời gian thực hiện từ tháng 06 đến tháng 12/2020. Chương trình trọng tâm của kích cầu lần này là vận động và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng và tích cực tham gia chương trình; tăng cường liên kết địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch. Trong đó, xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với TP.HCM, chọn các địa phương, trung tâm du lịch Cụm phía Đông, phía Tây (TP. Cần Thơ, Kiên Giang – Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, “Du lịch an toàn” sẽ là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với du khách. Vì thế ông Phong cho rằng công tác truyền thông với chủ đề: “Du lịch an toàn” trong thực hiện kích cầu du lịch là vấn đề quan trọng, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch nội địa đến ĐBSCL ngày càng đông.

Bà Lê Đình Minh Thi, Giám đốc Vietravel Tây Nam Bộ cho biết, sau dịch quan tâm yếu tố đầu tiên là an toàn, khuyến khích vùng thoát mát, vùng biển, đó cũng là sản phẩm chủ lực mà Vietravel hướng đến. Đồng thời, xác định thay đổi hình thái kinh doanh, chuyển sang dịch vụ riêng lẻ, không tập trung vào khách hàng doanh nghiệp mà tập trung vào khách lẻ, gia đình. Ngoài ra tập trung sản phẩm liên kết.

MỚI - NÓNG