Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Ảnh: Dương Giang |
Sáng ngày 12/11, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Ấn Độ và Australia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, tham dự các Hội nghị.
Đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 25, các lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trong năm 2022, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Đông Á.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ASEAN+3 cần đi đầu, kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi lĩnh vực. Việc xây dựng và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ASEAN+3, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm sâu sắc hiệu quả hơn Hiệp định này và nhất trí thành lập Ban Thư ký RCEP, đồng thời đề nghị thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân và hợp tác lao động.
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Ảnh: Dương Giang |
Thủ tướng hoan nghênh và ủng hộ những sáng kiến có định hướng đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực. Đề nghị các nước ASEAN+3 hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn nữa để ASEAN phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Về phía Việt Nam, Thủ tướng cam kết làm hết sức mình để các nước ASEAN+3 được ổn định hòa bình và thịnh vượng, nhân dân các nước trong khu vực ASEAN+3 sống ấm no hạnh phúc, không bỏ ai ở lại phía sau.
Thủ tướng cũng đề nghị các nước ASEAN+3 cần tiếp tục phát huy tinh thần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, láng giềng hữu nghị, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần tạo dựng cạnh tranh lành mạnh, dựa trên luật lệ, giảm thiểu mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột.
Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN với Ấn Độ
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19, các lãnh đạo chính thức thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực quan trọng cho hợp tác hai bên ngày càng mở rộng và phát triển năng động. Để phát huy tiềm năng quan hệ đối tác thương mại-kinh tế, hai bên nhất trí đảm bảo tính liên tục của dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi thương mại và hàng hóa, thực hiện hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA).
Hội nghị Cấp cao ASEAN -Ấn Độ. Ảnh: Dương Giang |
Bên cạnh đó, ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ nhau nâng cao năng lực y tế, đẩy mạnh tăng cường hợp tác biển bền vững, trong đó tận dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD mà Chính phủ Ấn Độ cam kết dành cho hợp tác biển với ASEAN, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Trong khi đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên vừa thiết lập cuối năm 2021 và nhất trí đánh giá cao những tiến triển tích cực thời gian qua. Các Lãnh đạo ASEAN và Australia đã thông qua Tuyên bố Hợp tác trên cơ sở Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế tại các Hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và đối tác nhấn mạnh các nước cần đề cao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích chung trong nỗ lực duy trì và bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.