Đủ chiêu trò mạo danh, lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
Đối tượng Nguyễn Văn Hào mạo danh là bác sĩ Bệnh viện 198
Đối tượng Nguyễn Văn Hào mạo danh là bác sĩ Bệnh viện 198
TP - Hiện tượng giả danh bác sĩ, giả mạo bệnh viện để quảng cáo bán thuốc, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng hoặc thu tiền tư vấn, chữa bệnh đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có không ít người trở thành nạn nhân của các chiêu lừa đảo.

Từ giả danh bác sĩ…

Mới đây Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1994, ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hào đã làm giả giấy tờ, mạo danh là Trưởng khoa Bệnh viện 198 - Bộ Công an, sau đó lợi dụng sự tin tưởng của gia đình nạn nhân để lừa đảo gần 240 triệu đồng. Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng mua quần áo và làm giả giấy tờ, tên tuổi để mạo danh bác sĩ bệnh viện 198. Sau đó, hắn đưa hình ảnh bản thân mặc quần áo bác sĩ, đăng tải lên facebook cá nhân, tham gia vào các hội nhóm để tìm kiếm những người nhẹ dạ cả tin. Qua xác minh, Công an quận Cầu Giấy xác định, tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an không có ai tên Nguyễn Hoàng Anh là trưởng khoa như tấm thẻ Hào làm giả.

Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia cảnh báo, các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng các kĩ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy. Vì thế cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lí những đối tượng xấu này, người dân cũng cần tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Theo đó, người dân có thể trực tiếp gửi các đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn.

Trong nhiều lần trò chuyện với phóng viên, GS.TS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết ông không ít lần bị cơ sở thẩm mĩ lợi dụng hình ảnh và tên tuổi mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể, một trang facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mĩ viện có trụ sở tại Hải Phòng, cơ sở này đã mời GS.TS Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Nhưng thực tế, GS Sơn không hợp tác với thẩm mĩ viện nào như vậy. Oái ăm, có những trang web còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của GS Sơn để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa dù chuyên môn của ông là phẫu thuật tạo hình.

Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) từng cảnh báo hiện tượng, kẻ xấu giả mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, hay của Tổ chức Y tế thế giới rồi gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp. Cùng với đó, lợi dụng tâm lí hoảng loạn lo sợ lây nhiễm COVID-19, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân hoặc quảng bá các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng.

Đủ chiêu trò mạo danh, lừa đảo ảnh 1

Các trang mạng xã hội giả danh bệnh viện

Đến mạo danh bệnh viện

Bệnh viện Da liễu T.Ư từng đưa ra cảnh báo tới người dân về việc một số tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Da liễu T.Ư nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh. Cụ thể, các đối tượng này lợi dụng hình ảnh bệnh viện để tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí tử vong. PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư khẳng định bệnh viện không triển khai khám trực tuyến trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào.

Hay như ở thời điểm giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tham gia khám chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư được khuyến cáo hạn chế đến bệnh viện, vì thế các đối tượng xấu lợi dụng điều này để lừa đảo người bệnh. Thủ đoạn của chúng là giả danh nhân viên y tế của bệnh viện và báo cho bệnh nhân có lịch tái khám sẽ không cần phải đến viện mà chỉ cần chuyển tiền cho chúng và sẽ được chuyển thuốc đến tận nhà. Nhưng thực tế không có túi thuốc nào đến tay bệnh nhân, còn tiền của nạn nhân đã vào tài khoản kẻ lừa đảo. Bệnh viện Lão khoa T.Ư đã gửi khuyến cáo tới cán bộ nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần nâng cao tính cảnh giác trước thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Khi gặp những đối tượng nghi vấn, cần báo ngay cho bệnh viện hoặc cơ quan công an để kịp thời xử lí.

Cảnh giác để tự bảo vệ mình và người thân

Cơ quan chức năng cho biết, các loại thuốc được rao bán trên mạng lấy danh nghĩa các bệnh viện thường được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đăng chạy quảng cáo rồi bán kiếm lời gấp nhiều lần giá gốc. Tuy nhiên sau đó người tiêu dùng sử dụng không thấy hiệu quả, gọi điện lại sẽ bị chặn số, thậm chí không truy được địa chỉ gửi hàng vì tất cả đều là địa chỉ “ma”.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lí nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

MỚI - NÓNG