Dự án nhà ở công chức: Chưa chọn được... người ở

Hàng trăm căn hộ vẫn chưa có người ở. Ảnh: Nguyễn Tú
Hàng trăm căn hộ vẫn chưa có người ở. Ảnh: Nguyễn Tú
TP - Trên 800 căn hộ thuộc dự án thí điểm đầu tiên về nhà ở cho cán bộ, công chức Hà Nội dù đã được khánh thành từ lâu nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm căn hộ bị bỏ không.

> Đề nghị xã hội hóa đầu tư nhà công vụ

Hàng trăm căn hộ vẫn chưa có người ở. Ảnh: Nguyễn Tú
Hàng trăm căn hộ vẫn chưa có người ở. Ảnh: Nguyễn Tú.
 

Đầu năm 2009, UBND TP Hà Nội đã cấp tập khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội thí điểm đầu tiên với hơn 800 căn hộ cho cán bộ công chức hưởng lương ngân sách tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).

Cụ thể, 300 căn hộ thuộc dạng cho thuê mua được xây dựng trên khu đất 14.300m2 ký hiệu CT21 do Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện từ vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Còn 515 căn hộ thuộc dạng cho thuê được xây dựng tại khu đất ký hiệu CT19 bằng nguồn ngân sách thành phố.

Các tòa nhà được xây cao 6 tầng, không có thang máy, diện tích căn hộ là 30 đến 65m2 và với giá thuê, mua thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của những cán bộ viên chức.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, phần lớn căn hộ trên chưa có người sử dụng. Đầu tiên, 515 căn hộ ở khu CT19 dù được khánh thành nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhưng đến nay trong 8 toà nhà cao 6 tầng thì chỉ mới có 3 toà lác đác người đến ở.

“Hiện chỉ có 3 toà nhà có người đến ở, nhưng số căn hộ có người ở cũng không nhiều. Nhiều người dù đã ký hợp đồng thuê nhưng gia đình họ vẫn chưa chuyển đến. Nhiều người đến ở phàn nàn vị trí xa nơi làm việc nên cũng lưỡng lự”- một nhân viên bảo vệ cho biết.

Tương tự, kề bên khu CT19 là 7 khối nhà cao 6 tầng thuộc khu CT21 với 300 căn hộ, từ sau ngày khánh thành linh đình, gắn biển đến nay vẫn chưa hề một bóng người. “Các toà nhà đã hoàn thành từ lâu nhưng chưa hộ dân nào đến ở”, ông Bình, một người dân của khu đô thị Việt Hưng cho biết.

Theo Sở Xây dựng, đến nay mới ký hợp đồng thuê nhà và bàn giao nhà cho các hộ gia đình đủ điều kiện thuê nhà ở xã hội, chiếm khoảng 50% tổng số căn hộ tại khu CT19. Đối với khu CT21, thành phố đã phê duyệt danh sách 52 hộ gia đình có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở được thuê mua, số căn hộ còn lại hiện Hội đồng xét duyệt đã họp để thống nhất trình thành phố, giao chỉ tiêu thuê mua số căn hộ còn lại cho các đơn vị, cơ quan.

Đợi bầu chọn công chức

Trao đổi với PV Tiền Phong ông Vũ Ngọc Đạm- Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng) cho biết: “Tuần trước UBND TP Hà Nội mới ban hành giá 7 khối nhà CT21 với 300 căn hộ thuộc diện nhà thuê mua và vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị để bình xét đúng đối tượng.

Trước mắt sẽ bố trí 52 trường hợp thuộc đối tượng chính sách về ở trước. Còn trên 500 căn hộ ở khu CT19 thuộc diện nhà cho thuê, hiện mới có khoảng trên 200 căn đã được bàn giao, số còn lại đang trình thành phố xem xét quyết định. Vì có những người đủ điều kiện nhưng do ở xa không có nhu cầu nên phải phân bổ lại cho các đối tượng khác”.

Đại diện Sở Xây dựng cho hay, do số căn hộ quá ít so với nhu cầu người mua, do vậy phải xét duyệt, phân bổ theo số biên chế cán bộ của các quận, sở ngành để trình UBND thành phố phê duyệt. Một cán bộ cho biết: Sau khi có chỉ tiêu phân bổ, các quận huyện, sở ngành sẽ tự bầu chọn các cán bộ, viên chức theo tiêu chí khó khăn về nhà ở như không có nhà sở hữu hoặc diện tích ở dưới 5m2/đầu người, chưa được nhà nước hỗ trợ mua nhà. Sau đó, các cơ quan này sẽ gửi danh sách tới Hội đồng xét duyệt cho mua, thuê mua nhà thành phố để rà soát, hậu kiểm.

Cuối cùng, Hội đồng sẽ trình thành phố phê duyệt danh sách người mua nhà xã hội. “Cho nên dù nhà đã hoàn thành nhưng để ký hợp đồng với các hộ dân cũng rất mất thời gian. Mặt khác, việc thẩm định giá bán nhà còn chậm nên ảnh hưởng khả năng huy động vốn của chủ đầu tư cũng như thời gian bàn giao nhà cho các chủ sở hữu”, vị này nói.

Theo đề án, những người được mua, thuê nhà ở xã hội là cán bộ, công nhân, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người đã trả nhà ở công vụ... mà chưa có nhà thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; Có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân dưới 5m2 một người.

Ngoài ra, mức thu nhập hàng tháng của hộ gia đình không vượt quá 5 lần tổng số tiền thuê, thuê mua nhà xã hội phải trả hằng tháng đối với căn hộ có diện tích tối đa 60m2 và không thấp hơn 4 lần số tiền thuê, thuê mua phải trả đối với căn hộ có diện tích tối thiểu 30m2. Khi thuê mua nhà xã hội, người mua sẽ phải trả trước 20% giá trị căn hộ, sau đó trả góp hằng tháng.

Sẽ dừng dự án nếu chậm triển khai

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện dừng giải quyết các đề nghị cấp đất, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng hưởng lương ngân sách.

Theo đó, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát, kiểm tra các dự án nhà ở cho các đối tượng hưởng lương ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, đang triển khai thủ tục giao đất.

Qua đó đề xuất dừng các dự án chậm triển khai; Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra các dự án đã được giao đất mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, từ đó đề xuất xử lý, báo cáo TP trước ngày 15-10.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.