Siêu “chúa chổm”
Sau khi Tiền Phong thông tin về siêu dự án pin mặt trời, do Cty CP Đầu tư Chuyển giao Worldtech (Hà Nội) đầu tư, thất hứa hỗ trợ nửa tỷ đồng phục vụ công tác từ thiện nhân đạo tại huyện Phong Điền, dân địa phương tiếp tục phản ánh, họ bị những người quản lý, phục vụ siêu dự án chây ỳ trả nợ đến từng bữa cơm, viên gạch bờ lô, bao xi măng, tấm lợp fibrô rẻ tiền, hay phí thuê văn phòng, công san lấp. Hơn nửa năm nay, các chủ nợ không biết hỏi ai để đòi tiền, còn những người liên quan dự án thì đã “chuồn êm”.
Những chủ nợ đau khổ của dự án nghìn tỷ. Ảnh: Ngọc Văn
Ông Đoàn Viễn (trú thôn Trạch Thượng 1, thị trấn Phong Điền), cho biết, đầu năm 2013, tận dụng nhà cửa rộng rãi, gia đình thống nhất cho ông Cao Xuân Hải, Phó BQL dự án cùng nhiều nhân viên khác thuê mặt bằng lập văn phòng và lưu trú. Gia đình ông Viễn còn bán nợ cơm ăn hằng ngày cho nhóm này.
“Khi đặt vấn đề mướn văn phòng, ông Hải lập hợp đồng thuê hai phòng, với mức phí 4 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền điện, nước, chi phí cơm nước hằng ngày. Ở nông thôn, có mặt bằng cho thuê lâu dài với giá như vậy thì quá mừng. Theo hợp đồng, cứ đến ngày 23 hằng tháng sẽ thanh toán tiền.
Vậy nhưng, gần một năm trôi qua, tiền thuê mặt bằng, các khoản chi phí cơm ăn, điện, nước, nhu yếu phẩm mà những người làm dự án mua chịu, với trị giá hơn 40 triệu đồng, chưa được thanh toán xu nào. Nhóm người này lặng lẽ rút đi rồi”, ông Viễn phản ánh.
Cạnh nhà ông Viễn là đại lý VLXD Lương Nhung. Đây chỉ là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tổng vốn đầu tư lưu động chỉ vài chục triệu đồng, chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng của dân địa phương. Ông Hải ký sổ mua gạch bờ lô, tấm lợp, đá hộc, xi măng của đại lý từ tháng 4 năm trước để xây kho bãi phục vụ dự án, tổng nợ trên 20 triệu đồng.
“Ông Hải hứa trả tiền nhiều lần, nay đã về quê ngoài Bắc, vợ chồng tôi chưa biết tìm cách nào để thu hồi nợ”, ông Lê Văn Lương, chủ đại lý, than thở.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Hoành (trú thị trấn Phong Điền), nhận thầu từ ông Hải để xây khu lán trại, kho chứa vật liệu công trình nhà máy rộng chưa tới 50m2, giá tiền công 15 triệu đồng. Do phía quản lý dự án cố tình chây ỳ giải quyết công nợ, ông Hoành phải nhiều lần khất nợ lại các thợ xây làm thuê cho mình vì không biết xoay đâu ra tiền.
Nợ thì phải lo trả
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng BQL các Khu công nghiệp tỉnh TT-Huế. Theo ông Trân, dự án pin mặt trời thuộc khu công nghiệp tỉnh chưa bị thu hồi vì trong thời gian triển khai, chưa hết hạn trên chứng nhận đầu tư. Nghe phóng viên đề cập các khoản nợ mà người của dự án nhà máy pin chây ỳ trả cho dân, ông Trân hết sức bất ngờ.
“Có chuyện này thật sao. Việc dự án nợ tiền nhiều người dân địa phương giờ tôi mới nghe. Về nguyên tắc, nợ thì phải lo trả sòng phẳng cho dân. Chúng tôi sẽ có ý kiến với chủ đầu tư để họ sớm giải quyết”, ông Trân cho biết.
Vị trưởng ban này giải thích thêm, dự án pin mặt trời Phong Điền triển khai chậm so với kế hoạch là do chủ đầu tư thay đổi đối tác góp vốn từ nước ngoài, tỉnh cũng vừa điều chỉnh chứng nhận đầu tư cho Cty Worldtech. Tuy nhiên, siêu dự án này đến bao giờ mới tái khởi động, về đích, đưa vào hoạt động, câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.