Dự án LCASP: Kết nối tín dụng đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi

Sử dụng nước thải sau Biogas để tưới cho cỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở mô hình Lcasp – Sóc Trăng
Sử dụng nước thải sau Biogas để tưới cho cỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở mô hình Lcasp – Sóc Trăng
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) nói chung và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho chuỗi giá trị khí sinh học và các hạng mục môi trường đi kèm nói riêng, tháng 10/2018 chuỗi các sự kiện kết nối tín dụng sẽ được triển khai tại toàn bộ 10 tỉnh tham gia dự án.

Nhiều bà con có nhu cầu vay vốn

Theo khảo sát tại một số tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển như: Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ… nhu cầu đầu tư vào chăn nuôi và xử lý môi trường của bà con chăn nuôi là rất lớn. Tuy nhiên, cái khó vẫn là nguồn vốn đầu tư.

Mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Do vậy, Dự án LCASP đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.

Gói tín dụng của Dự án LCASP nhằm cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị khí sinh học, gồm cho vay từ khâu xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống thu gom chất thải, hầm khí sinh học, các thiết bị (bếp, máy phát điện, lò sấy, đường ống dẫn khí gas…) và các hạng mục bảo quản, vận chuyển chất cặn bã để sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên có nhiều lý do khiến cho người có nhu cầu vay chưa tiếp cận được với nguồn vốn này.

Từ thực tế trên, anh Lương Văn Khang, thôn Tân Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: “Tôi mong muốn các cơ quan tạo điều kiện cho người dân chúng tôi tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp”.

Còn anh Trần Văn Trình, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Chính sách tín dụng thời gian qua đến với bà con nông dân chưa dễ dàng. Bà con muốn tiếp cận để xây dựng công trình nhưng thủ tục rất phức tạp. Bà con nông dân khi làm trang trại, muốn vay vốn để sản xuất và đầu tư vào mô hình xử lý chất thải chăn nuôi phải thế chấp. Phần lớn người dân có nhu cầu đầu tư để xử lý chất thải và phát triển chăn nuôi nhưng thấy e ngại tiếp cận vốn”.

Hội thảo truyền thông - kết nối tín dụng

Với mục đích để dòng vốn tín dụng ưu đãi này “chảy” về người chăn nuôi thông suốt hơn, Ban Quản lý Dự án LCASP tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông kết nối tín dụng tại 10 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.

Dự án LCASP: Kết nối tín dụng đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi ảnh 1 Kết nối tín dụng đầu tư xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi

Hội thảo cung cấp cho bà con một số nội dung: Hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi; giới thiệu mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi của dự án và những lợi ích vượt trội mà mô hình mang lại; các chính sách tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho áp dụng giải pháp quản lý chất thải nông nghiệp.

Tại các buổi hội thảo, một số trang trại chăn nuôi chia sẻ thông tin liên quan đến mô hình xử lý chất thải đang áp dụng như: Phương thức hoạt động, mức đầu tư, hiệu quả, lợi ích về môi trường... Bên cạnh đó, Ban quản lý Dự án và đại diện các tổ chức tín dụng cũng tư vấn, giải đáp thắc mắc của người chăn nuôi, đại diện các trang trại, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia tín dụng của Dự án về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường; quy trình, thủ tục vay vốn tín dụng của Dự án LCASP.

MỚI - NÓNG