Dự án chống ngập TPHCM: Băn khoăn xây trạm trước, mua máy sau

TPO - Để giải cứu “rốn ngập” đường Kinh Dương Vương, TPHCM tiếp tục đầu tư dự án trạm bơm Bà Tiếng. Tuy nhiên, dự án lại bị chia thành 2 gói thầu nhỏ: xây trạm và mua máy bơm. Điều này khiến dư luận nghi ngại về tính đồng bộ và hiệu quả của dự án.

Gần 800 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước được đầu tư để thực hiện dự án giải cứu “rốn ngập” đường Kinh Dương Vương,TP HCM nhưng không hết ngập. Chính vì thế, TPHCM tiếp tục đầu tư dự án trạm bơm Bà Tiếng nhưng dự án này lại được chia thành 2 gói thầu nhỏ.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP HCM) cao hơn nhà dân tới 0,5m khiến cuộc sống của 500 hộ dân và hơn 40 đường "xương cá" trong khu vực bị chìm trong nước mỗi khi trời đổ mưa.

Để cứu vãn tình thế, năm 2016, Sở GTVT TP HCM (Sở GTVT) đã phải triển khai thêm Dự án xây dựng trạm bơm chống ngập tại rạch Bà Tiếng (trạm bơm Bà Tiếng). Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này,  Sở GTVT đã tách gói thầu xây trạm bơm thành hai gồm: Gói thầu xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và Cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc (gói thầu xây lắp 4) cung cấp lắp đặt thiết bị trạm bơm.

Việc chia gói thầu ra như trên đã nảy sinh nghi ngại trong một số chuyên gia, kỹ sư và các nhà sản xuất máy bơm về tính đồng bộ của dự án.

Ông Phạm Minh Chính, một chuyên gia sản xuất máy bơm ở Hải Phòng, phân tích: Mỗi loại máy bơm có cấu tạo, kích thước khác nhau. Nếu phần móng được xây dựng riêng, sau đó mới mua thiết bị sẽ rất khó tương thích. "Có chăng, chỉ có đơn vị "ngầm" được chủ đầu tư lựa chọn từ trước mới đáp ứng được" - ông Chính nhận định.

Một chuyên gia sản xuất máy bơm khác là ông Trần Quốc Hùng, ở Bắc Ninh, cũng cho rằng, việc chia tách hai gói thầu nói trên là không phù hợp với tính chất kỹ thuật, tính đồng bộ và hợp lý của dự án. Bởi lẽ, khi triển khai thi công phần móng làm trước, sau đó mới mua sắm thiết bị máy bơm thì có nguy cơ xảy ra hệ thống móng và thiết bị không đồng bộ. 

"Trường hợp bên mời thầu đã quyết định sử dụng thiết kế xây dựng trạm bơm để lắp đặt bơm do một hãng sản xuất nào đó thì đó là hiện tượng hạn chế sự tham gia của các hãng máy bơm khác, tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó" - ông Hùng nói.

Trên thực tế, gói thầu xây lắp 4 được ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM ký phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng từ ngày 8/6/2018 (trước thời điểm ký phê duyệt thiết kế gói thầu thiết bị máy bơm tới gần 3 tháng). 

Thực tế, hiện gói thầu xây lắp trạm bơm đã có đơn vị trúng thầu là Cty CP Công trình giao thông Sài Gòn, giá trúng thầu là 111,7 tỷ đồng, và nhà thầu đang trong quá trình thi công.

Thế nhưng, gói thầu thiết bị vẫn chưa tổ chức đấu thầu xong, chưa biết nhà thầu nào sẽ trúng thầu và sử dụng máy bơm của hãng nào. 

Trước đó (năm 2016), UBND TP HCM chỉ cho phép xây trạm bơm Bà Tiếng với công suất 42.000m3/h. Nhưng sau đó, Sở GTVT đã điều chỉnh dự án, nâng công suất lên 48.000 m3/h (dự án mua 8 máy bơm trục ngang, mỗi máy có lưu lượng Q= 6.000 m3/h. Tổng lưu lượng của 8 máy là 48.000 m3/h).

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.