Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ: Chưa hoàn thành đã phải trả nợ nghìn tỷ

Lắp cửa van cống ngăn triều cường cho dự án kiểm soát ngập ở TPHCM Ảnh: H.T
Lắp cửa van cống ngăn triều cường cho dự án kiểm soát ngập ở TPHCM Ảnh: H.T
TP - Sự chậm trễ trong quá trình xem xét, ký phụ lục hợp đồng để làm cơ sở gia hạn thời gian thực hiện và bố trí vốn đầu tư cho dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” đã khiến dự án này đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”. 

Tại anh, tại ả

Chiều 3/11, tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo ngại về diễn biến của các đợt triều cường đang diễn ra trên địa bàn TPHCM, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân.

“Tình hình ngập nước, đặc biệt là triều cường đang diễn biến rất phức tạp vì nhiều nơi đang bị lún 4 cm/năm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của TPHCM và do nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực quản lý nhà nước nhiều nơi còn yếu kém”, ông Phong nhận xét. 

Tối cùng ngày, tại cuộc họp báo do Văn phòng UBND TPHCM tổ chức, trả lời PV Tiền Phong về lý do chậm ký phụ lục hợp đồng dù Văn phòng UBND TPHCM đã có hàng loạt văn bản thúc giục, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM Nguyễn Trung Anh khẳng định Sở KH&ĐT đã lập tổ đàm phán và ký phụ lục hợp đồng.

Khẳng định của lãnh đạo Sở KH&ĐT trái ngược về tình hình thực hiện dự án của Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gửi UBND TPHCM vào ngày 28/10 vừa qua. Theo đó, dự án đã hết hạn 4 tháng (từ ngày 26/6/2020) nhưng cơ quan chức năng chưa ký phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện để Ngân hàng Nhà nước gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho dự án.

“Việc chậm ký phụ lục hợp đồng BT ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ vì không đủ nguồn kinh phí để triển khai thi công hoàn thành dự án”, đại diện BQLDA cho biết..

Ngoài ra, trong phạm vi dự án còn 10 hộ dân (20 căn nhà) tại Cống Kiểm soát triều cường Mương Chuối, 1 hộ dân tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và 3 hộ dân tại các đoạn đê kè chưa bàn giao mặt bằng. BQLDA cho biết, dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2020 nếu các vướng mắc được tháo gỡ ngay trong tháng 10.

Theo đại diện Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng và đang gặp vướng mắc về thủ tục gia hạn thời gian tái cấp vốn. Ban đầu, dự án hết hạn vào ngày 26/6/2019 nhưng do khó khăn về thủ tục giải ngân, dự án bị ngưng thi công gần một năm sau đó mới tái khởi động, UBND TPHCM đã xin gia hạn thêm 1 năm (đến tháng 6/2020).

Thủ tục ký phụ lục hợp đồng này tiếp tục kéo dài đến ngày 27/4/2020 mới xong và có quyết định tái cấp vốn của NHNN. Như vậy, đến tháng 5 dự án mới được giải ngân lại và mất gần 11 tháng không có nguồn vốn để triển khai. Quan trọng hơn, kể từ lúc được NHNN chấp thuận thì thời gian thực hiện chỉ còn gần …2 tháng và thời hạn giải ngân chỉ còn 4 tháng là tiếp tục …hết hạn.

Chưa hoàn thành đã phải trả nợ nghìn tỷ

“Tháng 6/2020, nhà đầu tư lại tiếp tục đàm phán ký phụ lục hợp đồng để làm cơ sở gia hạn thời gian tái cấp vốn lần 3. Thời gian gia hạn là 6 tháng. Đến ngày 24/9, tổ đàm phán hợp đồng do giám đốc Sở KH&ĐT làm tổ trưởng mới thực hiện xong. Tuy nhiên, dù UBND TPHCM đã có hàng loạt văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhưng Giám đốc Sở KHĐT TPHCM, tổ trưởng tổ đàm phán vẫn chưa ký phụ lục hợp đồng mới”, đại diện nhà đầu tư nói và cho hay, tính đến thời điểm này, thời hạn xin gia hạn lần 3 để tái cấp vốn cho dự án chỉ còn 2 tháng nhưng Sở KHĐT TPHCM vẫn chưa ký phụ lục hợp đồng. Thực tế này dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý phức tạp như lãi vay và các chi phí phát sinh cộng dồn làm dự án vượt mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng.

Vị này cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro pháp lý mà TPHCM phải đối mặt như, nếu dự án phải tạm dừng, khi tái khởi động lại, việc huy động máy móc, nhân lực phải mất từ 3-6 tháng. Ngoài ra, dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.100 tỷ đồng, phần còn lại (gần 9 nghìn tỷ đồng) UBND TPHCM đã cam kết hoàn trả lãi và nợ gốc cho NHNN từ tháng 11/2020.

Ban quản lý dự án cũng đề nghị UBND TPHCM bố trí vốn để hoàn trả nợ cho NHNN vào tháng 11/2020 số tiền hơn 2.672 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký và quyết định 770 của NHNN.

“Đây là cam kết của UBND thành phố theo phụ lục hợp đồng BT đã ký, các văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ, NHNN và là điều kiện để NHNN xem xét việc tiếp tục giải ngân tái cấp vốn cho dự án. Do đó, việc không bố trí đủ vốn sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho dự án, tất cả những cam kết hoàn thành dự án trong năm 2020 của TPHCM với Thủ tướng Chính phủ và người dân thành phố sẽ rất khó được thực hiện đúng”, một đại diện BQLDA nhận xét.

MỚI - NÓNG