Dự án BT hấp dẫn nhà đầu tư – Vì sao?

Trước khi hợp nhất, tỉnh Hà Tây đã giao 1.850 ha đất làm khu đô thị cho Tập đoàn Nam Cường để đổi lấy công trình BT 63 km đường Ảnh: Nguồn KĐT Chương Mỹ
Trước khi hợp nhất, tỉnh Hà Tây đã giao 1.850 ha đất làm khu đô thị cho Tập đoàn Nam Cường để đổi lấy công trình BT 63 km đường Ảnh: Nguồn KĐT Chương Mỹ
TP - Các dự án BT ở Hà Nội được thu xếp quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư khai thác làm dự án đô thị để hoàn vốn.

> Bài 2: Lợi doanh nghiệp, hụt ngân sách
> Bài 1: Các chiêu đội giá công trình

Các nhà đầu tư dự án BT hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy khá nhiều đất làm công trình đô thị và nhà ở. Có lẽ vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao thời gian qua, kể từ khi Hà Nội mở rộng.

Trước khi hợp nhất, tỉnh Hà Tây đã giao 1.850 ha đất làm khu đô thị cho Tập đoàn Nam Cường để đổi lấy công trình BT 63 km đường Ảnh: Nguồn KĐT Chương Mỹ
Trước khi hợp nhất, tỉnh Hà Tây đã giao 1.850 ha đất làm khu đô thị cho Tập đoàn Nam Cường để đổi lấy công trình BT 63 km đường Ảnh: Nguồn KĐT Chương Mỹ.

Những dự án BT ngàn tỷ

Dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BT ở Hà Nội hấp dẫn nhà đầu tư có lẽ vì họ đề xuất và được chấp thuận giao cho nhiều đất đối ứng để làm dự án đô thị, nhà ở nhằm hoàn vốn.

Sau khi Hà Nội mở rộng nhiều dự án trị giá đầu tư hàng chục ngàn tỷ được đề xuất kèm diện tích đất xin khai thác khá lớn.

Trong năm 2010, đoạn đường vành đai IV dài khoảng 43km từ cầu Mễ Sở, huyện Thường Tín đến huyện Hoài Đức đã được chấp thuận chia thành 3 dự án theo hình thức gói BT theo đề xuất của ba “đại gia”.

Đầu tiên là Cty Cổ phần Him Lam được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án BT làm 20km đường vành đai IV, với mặt cắt 90-110m đoạn từ QL32 (Hoài Đức) đến QL6 (Hà Đông). Tổng mức đầu tư đề xuất là 14.000 tỷ đồng.

Giữa năm, Tổng Cty Sông Hồng và Cty CP Địa ốc Sông Hồng cũng được chấp thuận chủ trương để đầu tư hình thức BT tuyến tiếp theo dài 16km qua quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, huyện Thường Tín.

Tổng mức đầu tư theo đề xuất là 9.000 tỷ đồng. Và cuối năm, GELEXIMCO (Cty CP XNK Tổng hợp Hà Nội) được chấp thuận đầu tư đoạn thứ ba dài 7,68 km (gồm đường cao tốc và cầu) qua địa phận huyện Thường Tín.

Tổng mức đầu tư mà GELEXIMCO đề xuất lên đến 14.789 tỷ đồng. Như vậy, với khoảng trên 40km đường vành đai IV đã có tổng mức đầu tư lên đến gần 38.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,8 tỷ đô la Mỹ).

Thành phố Hà Nội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án BT trị giá ngàn tỷ khác do các doanh nghiệp đề xuất, như: Dự án QL6 đoạn Ba La- Xuân Mai với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng của Tập đoàn Sông Đà; Dự án hầm chui qua sông Hồng có mức đầu tư 10.000 tỷ đồng của Cty Trường An- Bộ Quốc phòng (đại diện liên danh Ngân hàng CP Liên Việt và một số doanh nghiệp khác); Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn đến QL 5 kéo dài với tổng mức đầu tư trên 10.500 tỷ đồng của liên danh Tổng Cty xây dựng Hà Nội với các nhà đầu tư và ngân hàng...

Liên danh Cty CP Đầu tư Văn Phú INVEST và Cty CP ĐT và PT Lũng Lô được giao thực hiện Dự án cải tạo đường 70 Hà Đông - Văn Điển với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng (6,2km)...

Trước đó, phải kể đến dự án BT đường trục bắc - nam tỉnh Hà Tây với tổng mức đầu tư 7.694 tỷ đồng được tỉnh Hà Tây (nay về Hà Nội) giao Tập đoàn Nam Cường làm nhà đầu tư từ 2008.

Một số nhà đầu tư đề xuất dự án BT và được chấp thuận, dù tên chưa mấy quen thuộc trong lĩnh vực giao thông.

Chẳng hạn dự án BT tuyến đường vành đai 3,5 và cầu Thượng Cát (với 6,5km cầu và đường), với mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng này được giao cho liên danh nhóm các Cty như: Cty CP Đầu tư Hải Phát, Cty TNHH Đầu tư Thương mại và dịch vụ quốc tế, Cty CP Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Lạc Hồng, Cty CP Đầu tư An Thịnh, Cty ĐTXD và TM Thành Nhân...

Cuộc đua giành đất, 1km đường đổi 280 ha

Đằng sau những con đường của các dự án BT với mức đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng là những diện tích đất rất lớn của thành phố được giao cho nhà đầu tư khai thác làm đô thị để trang trải cho các dự án BT.

Chỉ tính riêng 57 dự án BT trong lĩnh vực giao thông (trong đó có gần chục dự án chưa tìm được quỹ đất), theo đề xuất của nhà đầu tư, đã ngốn quỹ đất của thành phố lên đến trên 12.000 ha.

Dự án hình thức BT xây dựng đường trục bắc - nam tỉnh Hà Tây dài hơn 63 km với tổng mức đầu tư 7.694 tỷ đồng của Tập đoàn Nam Cường, tỉnh Hà Tây đã giao cho nhà đầu tư này thực hiện 2 dự án đô thị với diện tích hơn 1.800ha đất.

Tại dự án BT đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn- Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) dài 25,6km, nhà đầu tư của dự án này đã được UBND tỉnh Hà Tây cho thực hiện dự án khu đô thị với diện tích 931ha.

Hay như, GELEXIMCO khi đề xuất làm đoạn 7,68 km đường vành đai IV cũng đề xuất được khai thác hai khu đô thị tại Đồng Trúc - Ngọc Liệp (Quốc Oai) và khu Đông La- La Phù (Hoài Đức) với tổng diện tích 442 ha đất, nếu chia bình quân tương đương 55ha đất/km cầu, đường.

Nói đến các kỷ lục tỷ lệ xin đất/đường, phải kể đến tuyến đường 3,5, cầu Thượng Cát (tổng chiều dài 6,3km). Nhà đầu tư là Cty CP Đầu tư Hải Phát liên danh với một số doanh nghiệp đề xuất xin 6 lô đất tại 3 huyện với tổng diện tích 448ha đất.

Như vậy với mỗi cây số cầu, đường, nhà đầu tư đề nghị được khai thác 71ha đất. Đặc biệt, với việc đề xuất xây hầm vượt qua sông Hồng dài 2,5km, Cty Trường An đề xuất được khai thác 3 khu đất rộng 255ha làm đô thị (trong đó có khu đất thuộc sân bay Gia Lâm rộng 100ha).

Tức 1km hầm đổi 100ha đất. Nhưng kỷ lục này đã bị liên danh Tổng Cty Xây dựng Hà Nội, Cty CP Bất động sản Hòa Phát và một số doanh nghiệp khác bỏ qua.

Liên danh này đề xuất làm 8km cầu và đường dẫn (cầu chính 2,67km) song đã đề xuất thực hiện các khu đô thị với tổng diện tích 910ha đất. Như vậy mỗi kilômét cầu, đường xây dựng, liên danh này đề xuất khai thác 113ha đất.

Một dự án BT khác là dự án đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 69 có chiều dài vỏn vẹn 1km nhưng nó đã được nhà đầu tư đề xuất khai thác nhiều khu đất với tổng diện tích 30,5ha.

Kỷ lục về đề xuất diện tích đất đối ứng trên một kilômét đường hiện thuộc về dự án BT tuyến đường nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài (đoạn Phạm Văn Đồng ga Phú Diễn).

Chỉ với chiều dài 2,5km (đường rộng 40m) nhưng nhà đầu tư đề xuất được quy hoạch khai thác khu đô thị 700ha. Tức mỗi kilômét đường đổi tới 280 ha đất!

Theo số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội, trong tổng số 57 dự án đường, cầu, hầm được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT có 7 dự án chưa tìm được quỹ đất.

50 dự án còn lại đề xuất khai thác quỹ đất làm đô thị lên đến 12.030ha. Bình quân mỗi dự án BT lĩnh vực giao thông, nhà đầu tư đề xuất khai thác 240 ha đất làm dự án đô thị. Tính trung bình mỗi kilômét đường (cầu, hầm) nhà đầu tư đề xuất được khai thác 21,6ha đất làm dự án đô thị.

Tổng mức đầu tư đề xuất của 100 dự án BT là 233.385 tỷ đồng

Trong số 100 dự án BT tại Hà Nội trong diện được phê duyệt chủ trương nghiên cứu, phê duyệt đề xuất dự án, phê duyệt dự án, hợp đồng dự án, chứng nhận đầu tư và thực hiện dự án có 57 dự án BT trong lĩnh vực giao thông (tổng mức đầu tư 156.888 tỷ đồng); 26 thuộc dự án kết cấu hạ tầng đô thị khác (17.291 tỷ đồng); 9 dự án kết cấu hạ tầng xã hội (tổng mức đầu tư 14.224 tỷ đồng); 8 dự án đê kè thủy lợi (34.982 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư đề xuất của 100 dự án BT này là 233.385 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG