Ngày 28/12/2018, Chính phủ ban hành nghị quyết số 160/NQ-CP (Về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT). Theo đó, điều 1 của Nghị quyết nêu: “Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 01/01/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT”.
Điều khoản này mở ra cơ hội cho các dự án BT bị đình đốn lâu nay. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) thực hiện theo hình thức hợp đồng BT khởi công ngày 17/8/2017, thông xe kỹ thuật vào ngày 4/5/2018. Nhà đầu tư dự án (Tập đoàn Cienco4) đã chi cho dự án này hơn 212 tỷ đồng. Theo hợp đồng, tỉnh Nghệ An đối ứng cho nhà đầu tư 5 khu đất tại khu vực thị xã Thái Hoà. Hiện nay, nhà đầu tư đã ứng trước cho UBND thị xã Thái Hòa kinh phí giải phóng mặt bằng của 4/5 khu đất. Cầu đã xong, tiền giải phóng mặt bằng đã nộp nhưng Cienco4 không được nhận đất để thực hiện dự án bất động sản để hoàn vốn. Nguyên do: UBND tỉnh Nghệ An phải thực hiện văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28/03/2018 của Bộ Tài chính. Trong này, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Không chỉ dự án của Cienco4, toàn bộ các dự án BT trên toàn quốc, trong đó có những tỉnh thành có số lượng dự án BT lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… phải đình hoãn và dẫn đến nhiều thiệt hại. Giả sử, với khoản tiền đã đầu tư hơn 212 tỷ đồng, Cienco4 được phép vay tối đa 85% để thực hiện dự án (hơn 180 tỷ đồng). Nếu tính lãi suất cho dự án BT vào diện thấp nhất hiện nay (khoảng 12%/năm), mỗi tháng, dự án đội thêm 1,8 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại kéo dài dự án cả trên phần vốn tự có của nhà đầu tư, thiệt hại càng lớn hơn.
Ngay cả các địa phương đóng vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng lo ngại về tình trạng trì hoãn này. Chẳng hạn, lãnh đạo sở GTVT Hải Phòng mới cho hay, đơn vị này đang đứng trước nguy cơ bị các nhà đầu tư phạt 7%/năm theo hợp đồng vì chậm bàn giao phần vốn/đất đối ứng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc trì hoãn không nên kéo dài. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho hay, các chi phí phát sinh do trì hoãn không do nhà đầu tư gây ra nên họ không phải chịu. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico cũng cho rằng, việc “lệch pha” trong quản lý nhà nước không nên để người dân và doanh nghiệp phải chịu.
Vì vậy, việc Chính phủ ra nghị quyết số 160/NQ-CP là một trong những tín hiệu tốt đẹp cho các dự án BT. Đây là cơ sở để các địa phương/cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ngay việc chi trả dựa trên hợp đồng đã ký và các quy định pháp luật đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, cũng trong Nghị quyết trên, để giải quyết dứt điểm nội dung này, Chính phủ chỉ đạo: “Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện Dự án BT”.