Dự án 4.000 tỷ 'mắc cạn' giữa vùng núi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một dự án xây dựng nhà máy xi măng từng có số vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng ở Thừa Thiên - Huế được kỳ vọng giải quyết nhiều việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau 13 năm hiện trở thành nơi nuôi trâu bò của dân địa phương.

Nhiều năm trước, khi hay tin dự án Nhà máy xi măng Nam Đông xây dựng ở xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông), ông Lê Hiền, một trong hơn 40 hộ dân địa phương có đất đai bị thu hồi giải phóng mặt bằng triển khai dự án, từng tỏ ra lạc quan về triển vọng con em địa phương không còn ly hương kiếm sống mà có công ăn việc làm ổn định ngay trên quê hương. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm giấc mơ của Hiền vẫn đang dang dở.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh TT-Huế, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành chức năng để rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND tỉnh, nhằm tham mưu phương án xử lý phù hợp.

Theo tìm hiểu của PV, sau nhiều lần xin gia hạn dự án, khu vực triển khai nhà máy xi măng hiện đã đầu tư cơ bản hoàn thiện về khu nhà điều hành quy mô hai tầng, nhà để xe máy, sân trước, hệ thống tường rào... Riêng tuyến đường nhựa từ tỉnh lộ 14B dẫn đến tận cổng khu điều hành nhà máy đã được nhà nước đầu tư hoàn chỉnh, rất thuận lợi cho đi lại. Thời điểm PV có mặt tại khu vực công trình dự án, khu nhà điều hành, nhà xe, sảnh trước đang được người dân địa phương tận dụng làm nơi nuôi nhốt trâu bò. Các lối đi dẫn vào khu nhà đều ngập trong phân gia súc bẩn thỉu, ô nhiễm, nhếch nhác.

Dự án 4.000 tỷ 'mắc cạn' giữa vùng núi ảnh 1

Khu điều hành thuộc dự án nhà máy xi măng trị giá đầu tư tiền tỷ thành nơi nuôi nhốt trâu bò của dân địa phương

Khu đất xung quanh được người dân tận dụng trồng cỏ voi để chăn nuôi. Khuôn viên khu nhà còn được dùng làm nơi sản xuất, phơi phóng, đóng bao phân chuồng để bán đi các nơi. Do bỏ hoang nhiều năm, khu nhà điều hành cao tầng bị xuống cấp, hệ thống cửa đã hỏng, các tấm chắn bằng kính bị vỡ toang hoác. Nếu không được dân địa phương thông tin trước, nhiều người nhầm nơi đây là khu chăn nuôi gia súc.

Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được UBND tỉnh này cấp giấy chứng nhận cho Cty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long vào tháng 1/2008, thay đổi lần thứ nhất vào tháng 5/2010, với số vốn đầu tư 4.437 tỷ đồng. Dự án nhà máy có công suất thiết kế 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1.800.000 tấn xi măng/năm).

Dự án có ý nghĩa trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, người dân huyện vùng cao Nam Đông và tỉnh TT-Huế giai đoạn 2006-2010. Ngày 21/3/2009, Cty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long tổ chức khởi công xây dựng nhà máy tại xã Thượng Quảng, cam kết hoàn thành dự án và cho ra lò sản phẩm xi măng Nam Đông đầu tiên sau 26 tháng kể từ ngày khởi công.

Đến giữa năm 2010, sau khi đầu tư được khoảng 163,5 tỷ đồng cho các phần khoan thăm dò mỏ đá, mỏ phụ gia, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà điều hành..., dự án “giậm chân tại chỗ” cho đến nay, do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn. Chủ đầu tư sau đó xin UBND tỉnh TT-Huế gia hạn tiến độ và dự kiến đưa dự án vào hoạt động quý I năm 2016. Trong khi đó, ngày 3/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 485/TTg-KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án nhà máy xi măng theo quy hoạch, trong đó, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2015.

Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam. Trong đó, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông là 1 trong 9 dự án hoãn triển khai (không có thời hạn cụ thể). Đến năm 2019, tỉnh TT-Huế có tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị tiếp tục thực hiện đầu tư dự án nhà máy xi măng Nam Đông. Ngày 18/6/2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận số 212/TB-VPCP tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế. Theo đó, văn bản yêu cầu tỉnh chủ động rà soát tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác, báo cáo Thủ tướng trước khi tiếp tục triển khai dự án Nhà máy xi măng Nam Đông trong năm 2019.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này tiếp tục “án binh bất động”, bỏ hoang phần công trình đã đầu tư kéo dài.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.