Dưới thời HLV Kiatisak, ĐT Thái Lan chơi rất hoa mỹ và đẹp mắt. Họ chủ động cầm bóng, chuyền bóng rất nhiều theo phong cách “Tik-Tok”. Tuy nhiên, chỉ sau 1,5 năm dưới thời HLV Milovan Rajevac, mọi thứ đã đổi khác. “Voi chiến” lúc này không còn sử dụng quá nhiều pha phối hợp nhỏ, cũng không chuyền rích rắc nhiều, thay vào đó chú trọng vào sự hiệu quả. Nó thể hiện rõ ở tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng và khả năng chủ động về thế trận, dù không cần thực hiện quá nhiều đường chuyền hay cầm bóng quá nhiều.
Cụ thể, về tỷ lệ chuyển hóa, ở 4 trận tại vòng bảng AFF Cup 2018, ĐT Thái Lan chỉ tung ra 42 pha dứt điểm sau 4 trận, nhưng ghi được 15 bàn thắng, đạt tỷ lệ chuyển hóa 35,7%. Cần biết rằng, ĐT Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2018 sút 70 lần nhưng chỉ ghi được 8 bàn, đạt tỷ lệ chỉ 11,4%. Nghĩa là sự hiệu quả của ĐT Thái Lan gấp 3 lần thầy trò Park Hang-seo.
Ngoài ra, ĐT Thái Lan cũng nằm trong Top 5 đội có số đường chuyền thấp nhất tại vòng bảng AFF Cup 2018, nhưng vẫn luôn nắm được sự chủ động. Thống kê cho thấy, sau 4 trận đấu, “Voi chiến” chỉ thực hiện tổng cộng 1.614 đường chuyền, đứng thứ 7 trong 10 đội tham dự giải, chỉ hơn mỗi Singapore (1.304 đường chuyền), Timor Leste (1.172 đường chuyền) và Lào (759 đường chuyền).
ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2018 rõ ràng không, hoặc chưa đề cao quyền kiểm soát bóng. Họ sẵn sàng nhường quyền kiểm soát đó cho đối phương nhưng bằng sự bản lĩnh và “cáo già” của mình, luôn có được sự chủ động về thế trận trên sân, đồng thời biết cách chuyển hóa các cơ hội thành bàn thắng. Sự hiệu quả của ĐT Thái Lan thời điểm này cũng khá giống với ĐT Ghana khi họ vào tới tứ kết World Cup 2010.