Nội dung được chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến trên fanpage VTV9- Nhịp Sống Phương Nam, chủ đề “Đột quỵ, có phải trời kêu ai nấy dạ?”. Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới với sự đồng hành của Bayer Việt Nam.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ tại buổi trực tuyến |
Những dấu hiệu nhận biết
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cách đây khoảng 25 năm, không chỉ riêng Việt Nam mà toàn thế giới, đa số các thầy thuốc đều đầu hàng đột quỵ.
Tuy nhiên ngày nay đột quỵ là bệnh chữa được, đòi hỏi bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện sớm trong thời gian vàng để bác sĩ có thể cứu tế bào não chưa chết. Người nhà không cần làm bất cứ điều gì để cấp cứu người bệnh, mà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, và cơ sở đó có thể điều trị được đột quỵ – BS Thắng lưu ý.
Một số ý kiến cho rằng, đột quỵ là bệnh “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng điều này không đúng. Hầu hết trên 90% bệnh nhân đột quỵ đều có nguyên nhân.
Chương trình được thực hiện nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới 29/10. |
Hàng năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận từ 14.000-20.000 bệnh nhân đột quỵ, và hầu hết đều có nguyên nhân. Điều đó có nghĩa là không phải tự nhiên bệnh nhân mắc đột quỵ, mà do những yếu tố nguy cơ nhưng không được quan tâm đúng mức.
Đâu là dấu hiệu nhận biết đột quỵ? PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, triệu chứng đột quỵ xảy ra rất đột ngột, không báo trước nhưng chúng ta vẫn có thể nhận biết. Đó là bệnh nhân đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân nói nhảm. Nếu bất cứ ai có biểu hiện như trên, ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để tìm cơ hội điều trị trong thời gian vàng.
Người dân có thể truy cập để có thông tin liên quan bệnh đột quỵ tại trang chính thức của Bộ Y Tế www.kcb.dotquy.vn |
Điều trị tốt nhất vẫn là phòng ngừa
Dù bệnh lý đột quỵ nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn có thể phòng ngừa nếu biết nguyên nhân và kiểm soát chặt chẽ. Những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì… khả năng mắc đột quỵ rất cao bởi họ đã mang trong mình rất nhiều yếu tố nguy cơ. Nếu những nguy cơ này không được kiểm soát hữu hiệu thì bị đột quỵ gần như chắc chắn.
“Bệnh nhân đến với chúng tôi thường chia làm hai nhóm, một là họ không biết mình có nguy cơ mắc đột quỵ; hai là bệnh nhân biết mình có nguy cơ nhưng không quan tâm. Có bệnh nhân đã được điều trị bệnh cao huyết áp ổn định thì lại bỏ điều trị, bỏ thuốc… đã gây ra tình trạng tái đột quỵ” – BS Thắng chia sẻ.
Đột quỵ ở người trẻ khoảng 10%, nhưng tuổi thường gặp là 50-60 tuổi. Do đó từ trên 50 tuổi, người dân cần tầm soát sức khỏe thường xuyên hàng năm, phát hiện sớm, phòng ngừa sớm các bệnh lý kịp thời.
Một số bệnh nhân cho biết, đang bình thường bỗng thấy liệt yếu nửa người, méo miệng, nói đớ... Các triệu chứng giống như đột quỵ nhưng chỉ trong thời gian ngắn từ 1 giờ đến 2 giờ đã trở lại bình thường. Theo BS Thắng, y khoa gọi trường hợp này là cơn đột quỵ thoáng qua.
Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân sẽ có dấu hiện đột quỵ trong tương lại gần, có thể trong 1 đến 2 ngày sau đó. Nếu bệnh nhân nhận thức được nguy cơ và đến bác sĩ kịp thời, bác sĩ cho bệnh nhân phòng ngừa ngay lập tức thì có thể phòng ngừa cơn đột quỵ thật sự. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều bỏ qua các dấu hiệu này nghĩa là bỏ qua cơ hội phòng ngừa đột quỵ thật sự.
Phát hiện rung nhĩ giúp tránh đột quỵ
So với các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường…, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ nguy hiểm hơn rất nhiều đối với bệnh nhân đột quỵ bởi khả năng tử vong, tàn phế tăng gấp đôi. Người bị rung nhĩ, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với bệnh nhân không mắc rung nhĩ.
Một điều may mắn là khi phát hiện rung nhĩ, chỉ cần phòng ngừa rung nhĩ là có thể giảm 70% nguy cơ đột quỵ. Trong đó, thuốc kháng đông là giải pháp hữu hiệu.
So với trước đây, thuốc kháng đông chỉ có một loại, dù hiệu quả nhưng có bất tiện là phải theo dõi liên tục, thử máu hàng tháng để kiểm tra…, chưa kể thuốc còn tương tác rất nhiều với thức ăn. Hiện, đã có thuốc kháng đông mới có hiệu quả hơn, không cần theo dõi thường xuyên, chỉ cần uống 1-2 viên/ngày theo chỉ định của bác sĩ.