Lễ trao Học bổng báo Tiền Phong lần thứ 10 trên Tây Nguyên:

Đọt chuối non ngày ấy, bây giờ...

TP - Sự tận tụy, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ cho một chương trình học bổng được nuôi dưỡng bằng nhiệt huyết cống hiến của nhóm phóng viên Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên suốt 5 năm qua, đã được đáp lại bằng tình người lan tỏa, nồng ấm.

Thương người, thương cả đường đi!

“Cô ơi, tuần tới cháu sẽ được bay sang Nhật làm việc sau một năm luyện tiếng. Cháu cảm ơn chương trình học bổng Đọt Chuối Non đã giúp gia đình cháu thoát cảnh ngặt nghèo, đúng vào lúc không biết bấu víu vào đâu...”. 

Tiếng reo qua cuộc điện thoại đầu tháng 11/2017 của Dũng Hiếu, khiến chúng tôi cũng vui theo. Hiếu là cậu học trò nhận suất học bổng Đọt Chuối Non đầu tiên, ngay khi chương trình học bổng vừa hình thành vào mùa thu năm 2012.

Trước đó, một cộng tác viên thông tin cho phóng viên Tiền Phong biết gần khu phố nơi anh sinh sống có một hoàn cảnh cần được giúp đỡ khẩn cấp. Dũng Hiếu, cậu học trò mồ côi cha học lớp 9C Trường THCS Đoàn Thị Điểm TP Buôn Ma Thuột sống thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ, phải nhận làm đủ mọi việc tự kiếm sống nuôi thân, trong khi Cảnh Trung - anh của Hiếu đã phải xin Trường Cao đẳng Bách Việt cho bảo lưu kết quả học năm 3 khoa Tài chính Ngân hàng để đưa mẹ ra Hà Nội chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Hòe Nhai.

Đọt chuối non ngày ấy, bây giờ... ảnh 1 Nhà báo Lê Minh Toản, Ủy viên Ban Biên tập - Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong 
(bìa phải), Nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng ban văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên cùng ông Trịnh Dũng- Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tại lễ trao học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 8 năm 2016."

Chứng kiến gia cảnh của Hiếu chúng tôi không khỏi xót lòng. Tiến độ gây dựng chương trình học bổng được đẩy nhanh hơn, để báo Tiền Phong kịp tổ chức trao suất học bổng đầu tiên 5 triệu đồng cho Dũng Hiếu trước sân trường THCS Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra phóng viên báo còn nỗ lực vận động lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk sắp xếp cho mẹ Hiếu có được một chỗ nằm chạy thận nhân tạo gần nhà, giúp Cảnh Trung xin được việc làm có thu nhập tương đối ổn định để chăm mẹ, lo cho em yên tâm học hành.

Mới đó, mà đã 5 năm, ba mẹ con Hiếu đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Không còn là một góa phụ da bọc xương suy nhược chờ chết như khi chúng tôi gặp lần đầu, mẹ Hiếu nay dù vẫn phải lọc máu mỗi tuần, nhưng bà trông đã đầy đặn hồng hào hơn, có thể buôn bán kiếm đủ tiền chợ.

Tết Đinh Dậu, ba mẹ con cùng đến thăm văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên. Mẹ Hiếu nhìn 2 cậu con trai khôi ngô chững chạc, nói với chúng tôi: Trao học bổng, mà giúp được đến thế này, đúng là thương người, thương cả đường đi đấy, nhà báo ạ!

Sự hào hiệp nhân lên

Nguồn nuôi lớn học bổng Đọt Chuối Non, ngoài khoản tiền trăm triệu đồng ban đầu góp từ  2 bộ sách “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống” của luật gia Trần Đình Hoành, và “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược” của nhà báo Hoàng Thiên Nga, còn có sự hỗ trợ của nhiều tấm lòng vàng khác.

Có những người làm việc thiện giấu mặt, giấu tên. Khoảng chục bạn đồng hành, cứ thấy thông báo khởi động “mùa học bổng” mới, là lặng lẽ chuyển khoản dăm- bảy trăm nghìn, hoặc một, hai chục triệu đồng, nhắc “đừng công khai tên mình nhé”. Có thương binh nghèo nuôi người vợ mù, cứ mỗi tháng trích một phần 3 chế độ trợ cấp, gom góp dần cho đủ trao 2-3 suất học bổng, dặn trước “tui không xuất hiện đâu”. Có cán bộ nhờ nhân viên chuyển tới mảnh giấy bằng lòng bàn tay, ghi 5 chiếc xe đạp mới trị giá... tại địa chỉ đó, chừng nào báo sắp trao thì đến cửa hàng nhận xe về. Lại có đôi vợ chồng nhà giáo già, bà vợ là Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi, yêu chương trình học bổng này đến nỗi năm nào cũng bay từ Paris sang, vào Buôn Ma Thuột dự lễ, trao tận tay những phong bì học bổng Đọt Chuối Non tự thiết kế cho những học sinh hiếu học, hiếu thảo, mà ông bà đã tìm hiểu trước về hoàn cảnh, thành tích.

Chăm sóc đến từng chi tiết nhỏ giúp chương trình tạo được ấn tượng đẹp trong từng biểu mẫu in ấn, thư mời, phong bì, túi đựng quà, băng rôn, backdrop, là tinh thần cống hiến không vụ lợi, hết mình của các công ty in ấn, quảng cáo, tổ chức sự kiện như Công ty Truyền thông Sự kiện Pro, Cty Mặc Vi, In Công nghệ Việt. Lễ trao học bổng lần thứ 8 tháng 11/2016 tại trường THCS Trưng Vương, hai mái dù che nắng khổng lồ giăng sẵn qua một đêm, sáng sớm ra bị gió ngàn xô dạt. Dàn nhân viên hơn chục thanh niên của Pro hối hả leo trèo, khuân vác mướt mồ hôi, kịp “phục dựng hiện trường” tươi vui trước khi quan khách đến.

Sáng nay, 18/11, lễ trao học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 10 trao 97 suất cho học sinh 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ được tổ chức tại trường THCS Lương Thế Vinh (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Trong đó 90 học sinh nhận 2 triệu đồng/ suất; 5 học sinh nhận 2 triệu đồng và 1 xe đạp/suất và 2 suất học bổng đặc biệt mỗi suất 5 triệu đồng.

 

Sự hào hiệp được nhân lên ngay trong ý thức của nhiều học sinh được nhận học bổng Đọt Chuối Non. Năm 2015, trường THCS Trần Bình Trọng ngoại thành Buôn Ma Thuột có 3 học sinh nhận học bổng nhất trí đề nghị trường chia 6 triệu đồng thành 20 suất, để mỗi lớp 1 bạn nghèo vượt khó được khích lệ. Cách sẻ chia thơm thảo đó tới mùa học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 10 này, ngoài trường THCS Trần Bình Trọng, lại tiếp tục nhân lên ở nhiều trường khác: như THCS Yang Mao (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), trường THCS Lương Thế Vinh ( nội thành Buôn Ma Thuột) v.v...

Báo Tiền Phong trân trọng cảm ơn những cá nhân, đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ chương trình trao học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 10:

Ông LQ-Viện KSND tỉnh Đắk Lắk: 5 chiếc xe đạp; Bệnh viện Mắt Tây Nguyên (309 Ngô Quyền, Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk): 10 triệu đồng; Công ty TNHH TMDVVT Việt Đức (đường Tống Duy Tân, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông): 10 triệu đồng;  Bà Lê Thị Hương (Công ty TNHH DAWA, Thửa 14 cụm Công nghiệp Tân An, Buôn Ma Thuột): 2 triệu đồng và 20 lốc nước; Bác sĩ PT (BV Đa khoa Thiện Hạnh): 20 triệu đồng; Ông Đậu (thương binh): 6 triệu đồng; Ông Trịnh Xuân Mười (Công ty TNHH Trịnh Mười, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột): 5 triệu đồng; Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi: 24 triệu đồng; Gia đình cô Phùng Bảo Ngọc Vân (top 10 Hoa hậu Việt Nam 2016, Hà Nội): 15 triệu đồng; Bà Nguyễn Thị Phụng (121 Lý Thái Tổ, Buôn Ma Thuột): 4 triệu đồng; Bà HTND (Viện KSND tỉnh Đắk Lắk): 5 triệu đồng; Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới: 5 triệu đồng; Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk: 6 triệu đồng; Bà Võ Thị Lan Phương (Hà Nội): 2 triệu đồng.

Hỗ trợ công tác tổ chức chương trình còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên (82-84 Bùi Thị Xuân, P Bến Thành, Q1, TP HCM) 20 triệu đồng, cà phê và sách;  Ông Trần Tấn Vinh Công ty TNHH Truyền thông Sự kiện Pro: Hỗ trợ trang trí và truyền thông; Cty TNHH SXTMDV Mặc Vi (128 đường Lý Thường Kiệt, Buôn Ma Thuột) và Cty TNHH In Công nghệ Việt (32 Ngô Quyền, Buôn Ma Thuột): Đồng hỗ trợ in ấn cho lễ trao học bổng; Khách sạn Đam San (212 Nguyễn Công Trứ, Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột) và bà Võ Thị Mỹ Hiệp, khách sạn Hiệp Thạnh (số 203/2 đường Đinh Tiên Hoàng, Buôn Ma Thuột) tài trợ phòng lưu trú cho khách mời và các đoàn thầy trò từ những huyện xã xa về dự lễ trao học bổng. Trường THCS Lương Thế Vinh (số 1 Tôn Đức Thắng TP Buôn Ma Thuột): lần thứ 2 đăng cai tổ chức tốt sự kiện trao học bổng ĐCN.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.