Thực ra, người máy DoNotPay đã ra mắt từ năm 2015. Tháng 7 này, nó được bổ sung tính năng mới. Giờ đây, người máy này có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan pháp lý cho khoảng 1.000 vụ kiện. Người dùng có thể giao tiếp với robot thông qua trò chuyện trực tuyến. Tại đây, họ chỉ cần gõ vào những gì họ cần tư vấn, như “Tôi đang tranh cãi với chủ nhà”, hay “Tôi bị quấy rối ở nơi làm việc”… Trong vòng 30 giây, DoNotPay trả lời với những lời khuyên và giải pháp pháp lý.
Luật sư ảo này có thể đưa ra các lựa chọn về cách thức giúp đỡ, như “Gửi cảnh báo”, “Thông báo tới chính quyền”, “Những lời khuyên để tránh bị đuổi khỏi nhà”… Nó cũng có thể kết nối người dùng với sự trợ giúp bên ngoài, như đại diện pháp lý, đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn. Hiện nay, DoNotPay có thể cung cấp tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng và điều kiện làm việc cho người dân Anh và Mỹ, như quấy rối tại nơi làm việc, khiếu nại gây hiểu nhầm trong quảng cáo…
Cha đẻ của robot này là Joshua Browder, 20 tuổi, sinh ra tại London, đang theo học năm thứ 3 tại Đại học Stanford, Mỹ. Điều khá bất ngờ là Browder hoàn toàn tự học qua YouTube và tham vấn từ các chuyên gia máy tính để có thể chế tạo ra robot có thể hiểu được thông điệp của con người.
Hiện tại, luật sư người máy sẵn sàng đưa ra lời khuyên thông qua trang web DoNotPay, nhưng Browder đang đàm phán với Facebook để kết hợp nó trong ứng dụng Messenger. Theo Browder, đã có hơn 250.000 người sử dụng dịch vụ này. Anh cũng có kế hoạch sử dụng IBM Watson để dịch tiếng Ảrập và tiếng Anh. Browder dự định thuê một số nhà thiết kế, luật sư làm việc tại nhà để hỗ trợ luật sư người máy. “Những tư vấn về pháp lý của người máy sẽ giúp các doanh nghiệp phải đối xử với nhân viên tốt hơn, và các chương trình quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ phải có những điều chỉnh”, anh nói. Năm ngoái, người máy này đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hàng ngàn người vô gia cư ở Anh.