Nếu chợt thấy ví mình có gương mặt trẻ thơ lấp lánh này, nghĩa là trong tay bạn đang giữ đồng tiền hi vọng: Liam bị mất tích đã gần 20 năm nay khi ra ngoài chơi cùng cha mẹ, vụ án đến nay vẫn chưa thể khép lại.
Đồng tiền nào chẳng mang hi vọng? Nhưng gương mặt Liam nhỏ tuổi nhất được chọn đại diện cho trẻ em bị mất tích ở Bỉ còn có giá trị nhắc nhở ta đã yêu thương, chăm sóc con mình cũng như có trách nhiệm với những đứa trẻ khác trong tầm mắt mình đủ chưa?
Lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ. Suốt từ 28/5 đến 3/6/2016, qua trọn ngày Quốc tế thiếu nhi, truyền hình Nhật Bản liên tục đưa tin, báo chí châu Âu cũng cập nhật không ngừng quá trình tìm kiếm cậu bé Yamato Tanooka bảy tuổi mất tích trong một khu rừng hoang trên đảo Hokkaido.
Lớp học tiếng địa phương của tôi ở Bỉ cũng lao xao quanh chủ đề sau 6 ngày tìm kiếm đã thấy Yamato, còn sống, trú trong một căn cứ quân sự cách nơi cậu bị mất tích khoảng hơn 4 km.
Mấy học viên nữ thắc mắc sao cậu bé có thể sống sót sau gần một tuần ở khu rừng nhiều gấu hoang, nhiệt độ ban đêm giảm xuống 7 độ C, không nước uống, không thức ăn và không quần áo ấm? Zhang- người gốc Trung Quốc nhắc “Thì người Nhật vẫn nổi tiếng về kỷ luật rèn dạy con đấy thôi. Sản phẩm là những đứa trẻ can trường, sống sót được trong môi trường khắc nghiệt.”
Chuyện đâu đơn giản thế. Thoạt đầu bố mẹ Yamato nói bị lạc thằng bé khi đang kiếm cây cỏ trong rừng. Sau mới thú nhận phạt thằng bé tội ném đá vào người khác và không nghe lời bằng cách bỏ lại con trong rừng để tự kiểm điểm hành vi. Chỉ vài phút sau họ quay lại, thằng bé đã không còn ở nguyên chỗ cũ.
Sau khi hỏi những học viên gốc Á, chúng tôi thường phạt con hư thế nào, đánh vào mông, đứng góc nhà, nhốt phòng tối, không iPad một tuần, nghỉ xơi khoai tây chiên cánh gà rán cả tháng..., giáo viên địa phương mới nêu quan điểm riêng: “Con hư hỗn ở đâu tôi cũng mang về nhà mới phạt. Áp dụng kỷ luật sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng hình phạt nào cũng cần đi kèm bài học và phải đảm bảo đầy đủ quần áo ấm, nước uống, thức ăn, đó là quyền cơ bản của trẻ em”.
Tôi đem chuyện này kể với mấy đồng hương ở Pháp, Ba Lan vừa sang Brussels xem một chương trình ca nhạc quê hương. Chị đồng hương ở Ba Lan tủm tỉm: “Đúng là dân Âu ấm no sung sướng quen rồi nên nói gì cũng lôi quyền nọ lợi kia ra áp dụng. Chả thế mà nhiều di dân chạy nội chiến vào được Ba Lan vẫn chưa hài lòng, tìm cách đi tiếp sang Thụy Điển hoặc Đức. Chính sách xã hội, trợ cấp ở Ba Lan sao bằng được Thụy Điển, Đức. Cũng vì tương lai, quyền lợi con cái cả đấy”.
Anh đồng hương bên Pháp rầu rĩ: “Dẫu sao cũng nên mừng là người gốc Việt ở đây mấy thế hệ đều chăm chỉ lao động vì tương lai con cái và vì cuộc sống của người thân nơi quê nhà. Chả hiểu người bản xứ nghĩ gì khi thấy không ít dân nhập cư mới chân ướt chân ráo đến đây đã đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi nọ kia.
Mấy hôm trước anh đi khám bệnh ở Paris, trong phòng chờ thấy cặp vợ chồng nhập cư ngồi bên mấy đứa con béo đã đến mức báo động vẫn mua đồ fast- food cho ăn thoải mái. Hỏi họ sao không cho con ăn kiêng đi là vừa, bà mẹ bảo ở đây béo phì được coi như bệnh, được nhận trợ cấp, khỏi lo”.
Nhận thêm trợ cấp nuôi con mắc bệnh béo phì, cũng là đồng tiền hi vọng cả đấy. Mà sao nghe thật tuyệt vọng. Nhắc đến hai từ khuyết tật, người bạn gốc Việt của tôi ở Pháp bị khiếm thính bảo: “Hồi tôi mới phát hiện tai bên phải hầu như không nghe được gì nữa, cũng tính mua máy trợ thính mà ngại tốn.
Sau được người Việt định cư lâu bên này mách nếu được công nhận bị khiếm thính dĩ nhiên là khuyết tật rồi, chính phủ sẽ trợ cấp tiền mua máy trợ thính. Nhưng phải là người khuyết tật mới hiểu nỗi khổ không lành lặn. Cứ đeo máy trợ thính là đau đầu, vì phải nghe cả những thứ mình không mong muốn như tiếng nước chảy trong phòng vệ sinh nhà hàng xóm, cách vài mét vẫn biết người ta nói xấu gì mình sau lưng...”.