Chia sẻ khó khăn,đồng hành vượt khó
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong bối cảnh “tứ bề khó khăn đó”, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực vượt khó, đóng góp nhiều tiền của, vật chất ủng hộ Chính phủ và các địa phương phòng, chống đại dịch…
Chia sẻ với những khó khăn, thử thách của doanh nghiệp, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã có những quyết sách, hành động quan trọng để đồng hành với doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã triển khai có hiệu quả chiến lược ngoại giao vắc-xin nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Với những sự nỗ lực đó, trong những tháng qua vắc-xin đã về nước ngày một nhiều hơn. Tỷ lệ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được ưu tiên tiêm vắc-xin ngày một lớn. Có thể nói, đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ bàn giao vắc-xin, thiết bị y tế được ủng hộ trong chuyến công tác tại châu ÂuẢnh: Nhật Minh |
Đặc biệt, với phương châm lợi ích thì hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn, trong thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc xét nghiệm COVID-19, lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động sản xuất trong bối cảnh giãn cách xã hội…
Nói với cộng đồng doanh nghiệp cách đây không lâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Thẩm quyền của Chính phủ tới đâu thì Chính phủ tận dụng tối đa tới đó, cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ cố gắng giải quyết. Rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu ra các vướng mắc trong các văn bản, vướng mắc từ thực tiễn bởi các quy định dù có làm kỹ đến đâu cũng không bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống rất phong phú”. Với phương châm, hành động đó, thời gian qua Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều quyết định quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cắt giảm thủ tục hành chính, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế, giảm tiền điện…
Trong cuộc họp với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.
Những quyết sách chưa có tiền lệ
Với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ với Chính phủ, với người dân, doanh nghiệp, ngay từ kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã có quyết sách chưa có tiền lệ. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30, trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định. Quyết định này được ví như “thượng phương bảo kiếm” trao cho “tướng ra trận”, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập nhiều phiên họp bất thường, làm việc không kể ngày đêm. Đầu tiên là phiên họp ngoài giờ làm việc, cho ý kiến về 4 quy định ngoài luật trong thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
“Thử thách rất lớn, nhưng đây là thời điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tôi tin đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch COVID-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm - Tài - Trí - Tín”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong Hội nghị
Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2021
Cũng tại phiên họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, với tổng số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trong lúc khó khăn, gói hỗ trợ này là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cũng trong dịp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định quyết tâm trao tiền hỗ trợ nhanh nhất, sớm nhất cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những phiên họp bất thường không kể ngày đêm, những nghị quyết chưa có tiền lệ được ban hành đã thể hiện sự quyết tâm và tinh thần đổi mới của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nên cần phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Trong bối cảnh đó, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ. Đó là việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Một phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại được diễn ra để cho ý kiến về gói hỗ trợ này. Khẳng định đây là giải pháp tình thế, trong tình huống cấp bách, chưa có tiền lệ và rất nhân văn, các đại biểu đều nhất trí việc ban hành nghị quyết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động. Ngay sau Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ được ban hành, Chính phủ đã có Nghị quyết 116, với tổng số tiền hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động.