TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại gia Nguyễn Cao Trí đã rời hội đồng quản trị doanh nghiệp cao su; Công ty CP Xây dựng Coteccons bị kiện và yêu cầu mở thủ tục phá sản; Metro Nhổn - ga Hà Nội 'vỡ' tiến độ 12 năm, dự kiến 2027 mới về đích; Nhiệt điện Phả Lại bị đình chỉ hoạt động 1 năm... là những thông tin đáng chú ý tuần qua. 

Metro Nhổn - ga Hà Nội 'vỡ' tiến độ 12 năm, dự kiến 2027 mới về đích

Trong quyết định số 3785/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn mới ký cho biết, UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội với thời gian thực hiện dự án năm 2009 - 2027.

Với phần vốn thi công, quyết định của UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh tổng mức đầu tư là 34.826,05 tỷ đồng.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 1

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tăng vốn hơn 89%, chậm 12 năm.

Theo quyết định ban đầu, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng; thời gian hoàn thành năm 2016. So với quyết định điều chỉnh lần này, tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 16.417 tỷ đồng - tương đương 89,1%; chậm tiến độ 12 năm.

Nhiệt điện Phả Lại bị đình chỉ hoạt động 1 năm

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) do vi phạm pháp luật về môi trường. Theo đó, Nhiệt điện Phả Lại đã có các hành vi vi phạm như thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền I.

Với các hành vi vi phạm trên, Bộ Công an đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại gần 4 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 2

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại bị xử phạt gần 4 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng.

Giải trình về quyết định xử phạt, Nhiệt điện Phả Lại cho biết trong thời gian qua, công ty đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường theo quy định trong quá trình vận hành nhà máy. Dù vậy, qua kiểm tra công ty vẫn còn một số tồn tại, hạn chế với một số thông số môi trường chưa hoàn toàn đảm bảo đáp ứng yêu cầu ở một số thời điểm.

Chính phủ thống nhất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 114 phiên họp Chính phủ tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đánh giá dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 3

Chính phủ thống nhất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản

Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) vừa có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thông tin bất thường về việc nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của TAND TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 4

Nhà thầu Coteccons đã nhận được thông báo của TAND TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo đó, Coteccons cho biết có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.

Coteccons cho biết, thời gian gần đây, có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. Kể từ 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh.

“Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực”, thông cáo nêu.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: 3 tháng mới giải ngân được 95 tỷ

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường và áp dụng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã phát sinh dư nợ.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 5

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân chậm vì nhiều dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.

Cụ thể, đến nay BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Agribank cam kết cho vay một dự án tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng,...

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Có 14/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét, công bố danh mục tổng số 39 dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.406 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vay vốn hơn 17.869 tỷ đồng.

Đại gia Nguyễn Cao Trí đã rời hội đồng quản trị doanh nghiệp cao su

Công ty CP Cao su Công nghiệp (mã chứng khoán: IRC) vừa công bố Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023. Đáng chú ý, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Capella đã rút khỏi Hội đồng quản trị Công ty CP Cao su Công nghiệp ngày 17/1/2023. Ông Trí vào Hội đồng quản trị IRC từ 9/2/2018.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 6

Ông Nguyễn Cao Trí không còn nằm trong danh sách Hội đồng quản trị Công ty CP Cao su Công nghiệp nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Theo báo cáo của Ban Kiểm soát Công ty CP Cao su Công nghiệp, trong năm 2022, ông Nguyễn Cao Trí đã tham gia đầy đủ 4 buổi họp của hội đồng quản trị và nhận thù lao hơn 93 triệu đồng. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông 2023, ông Nguyễn Cao Trí là thành viên Hội đồng quản trị IRC nhiệm kỳ 2018 - 2022 không được bầu vào nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Thay cho ông Nguyễn Cao Trí để đại diện phần vốn góp của Công ty CP Tập đoàn Capella tại Công ty CP Cao su Công nghiệp là ông Nguyễn Cao Đức - Giám đốc các công ty thành viên Capella.

Cũng đầu tháng này, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã gửi văn bản yêu cầu các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch liên quan đến nhà đất của ông Nguyễn Cao Trí.

Ông Trí được cho là có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh - chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, đang bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu, Bộ Công an điều tra.

Xử nghiêm việc 'bỏ quên ngàn tỷ' khi cổ phần hóa DN thuộc Bộ Xây dựng

Văn phòng Chính phủ vừa gửi Thanh tra Chính phủ, các Bộ Tài chính, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh, thành phố liên quan, và các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng về việc thực hiện kết luận thanh tra 1229 liên quan cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty trong ngành xây dựng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về kết luận thanh tra 1229, bảo đảm chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Động thái 'lạ' của đại gia mất tích; nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện ảnh 7
Việc cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà theo kết luận thanh tra có một số vi phạm.

Bộ Xây dựng, các tổng công ty: Vicem, Lilama, VNCC, Licogi, CC1, Coma, Hancorp, Sông Đà được yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm các sai phạm. Các công ty này chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đối với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng quy định về quản lý đất đai đối với diện tích đất đã giao cho các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, không để thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

MỚI - NÓNG