Đồng rúp lao dốc, kinh tế Nga chịu sức ép lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 14/8, đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng, nhanh chóng trượt khỏi mốc 102 đổi một đô la Mỹ, khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải triệu tập một cuộc họp bất thường trong hôm nay để thảo luận về lãi suất cơ bản.
Đồng rúp lao dốc, kinh tế Nga chịu sức ép lớn ảnh 1

Đồng rúp đang giảm giá mạnh so với đô la Mỹ. (Ảnh: AP)

Đồng rúp đã mất khoảng 1/4 giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đầu năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây làm tổn hại đến cán cân thương mại của Nga, còn chi tiêu quân sự tăng vọt khi cuộc xung đột biến thành trận chiến tiêu hao chưa biết hồi kết.

Ngày 14/8, Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định, sự sụt giảm đột ngột về giá trị đồng nội tệ sẽ không đe dọa ổn định tài chính chung của đất nước và cho rằng tình trạng sụt giảm này là do xuất khẩu giảm và nhập khẩu gia tăng.

Ông Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, viết trong bài xã luận đăng trên hãng thông tấn Tass: “Nguyên nhân chính khiến đồng rúp suy yếu và lạm phát gia tăng là chính sách tiền tệ mềm. Ngân hàng Trung ương có tất cả các công cụ để bình thường hóa tình hình trong tương lai gần”.

Thâm hụt ngân sách và thiếu lao động nghiêm trọng cũng góp phần làm tăng lạm phát. Theo một cuộc khảo sát gần đây, hơn 40% các doanh nghiệp công nghiệp của Nga báo cáo tình trạng thiếu lao động vào tháng trước, trong bối cảnh nhiều nam giới phải nhập ngũ.

Oleg Itskhoki, giáo sư kinh tế tại UCLA, cho rằng dù Nga vẫn có thặng dư thương mại khá mạnh, nhưng chưa đủ để bù đắp tình trạng rút vốn ngoại và ổn định tỷ giá hối đoái.

Itskhoki cho rằng không còn nhiều dư địa để Ngân hàng Trung ương Nga xoay xở, ngoài việc áp dụng lại những biện pháp mà họ đã dùng khi xung đột mới nổ ra. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ tạm dừng mua ngoại tệ cho đến cuối năm nay.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.