Động lực cho kỷ nguyên mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói rằng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn chiến lược: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Vì thế, trong hơn hai thập kỷ tới, chúng ta rất cần những xung lực mới, động lực mới để phát triển, đưa đất nước vào “kỷ nguyên mới” như nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Đưa đất nước lên vị thế mới

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập đến “khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới” của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên hiểu như thế nào về các khái niệm này, thưa ông?

Thông thường, khi nói đến “kỷ nguyên” là hàm ý một khoảng thời gian, một giai đoạn lịch sử gắn với những đặc điểm then chốt cụ thể. “Kỷ nguyên mới” giống như thời kỳ mới, với những ý tưởng và kế hoạch mới, quyết tâm và mục tiêu mới hơn so với hiện nay. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư có nhắc đến mốc thời gian 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Động lực cho kỷ nguyên mới  ảnh 1

TS. Nguyễn Văn Đáng

Rõ ràng, sau gần bốn thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta cần tổng kết lại những kết quả đã đạt được và đề ra những mục tiêu mới. Nếu cuối những năm 1980, Việt Nam là nước nghèo, bị bao vây, cô lập thì hiện nay, đất nước ta trở thành nền kinh tế xếp thứ 34 trên thế giới, quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; quan hệ quốc hội, nghị viện với trên 140 nước. Những kết quả tích cực trong tiến trình đổi mới đã đưa “thế và lực của đất nước, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu “kỷ nguyên mới” tức là giai đoạn sắp tới, với những mục tiêu mới, cần nỗ lực thực hiện để có thể đưa đất nước lên vị thế mới, cao hơn so với hiện nay.

Tôi cho rằng đặc điểm then chốt nhất của “kỷ nguyên mới” ở nước ta là mục tiêu “quốc gia phát triển”. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn chiến lược: Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên trong hơn hai thập kỷ tới, chúng ta đang rất cần những xung lực mới, động lực mới cho nỗ lực mang tính tập thể. Điều này cũng tương tự như giai đoạn 1930 - 1975, đất nước chúng ta được dẫn dắt bởi khát vọng “độc lập dân tộc và thống nhất đất nước”; hay giai đoạn từ năm 1986 đến hiện nay, với nhu cầu bức thiết về “đổi mới và hội nhập quốc tế”. Nói ngắn gọn thì “kỷ nguyên mới” ở nước ta là kỷ nguyên “quốc gia phát triển”.

Để thực hiện khát vọng về “kỷ nguyên mới”, Đại hội XIV của Đảng là một mốc quan trọng. Theo ông, Văn kiện Đại hội XIV của Đảng phải có tầm vóc như thế nào để thực sự trở thành ““ngọn đuốc soi đường” cho chúng ta đi, bảo đảm kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai” – như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?

Văn kiện mỗi kỳ đại hội Đảng không chỉ chứa đựng nhận thức, quan điểm của Đảng với các vấn đề hiện tại mà còn giới thiệu chủ trương, đường lối lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tiếp theo. Vì thế, bấy lâu nay, văn kiện đại hội vẫn được coi là “ngọn đuốc soi đường” cho chúng ta đi. Trong phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quán triệt quan điểm khái quát là văn kiện đại hội Đảng “phải bảo đảm kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh một số nguyên tắc cần tuân thủ tuyệt đối trong quá trình chuẩn bị văn kiện, như: Nội dung văn kiện phải khẳng định vị thế và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta. Sự nghiệp của Đảng là vì “lợi ích quốc gia, dân tộc, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân” cho nên phải coi đây là những mục tiêu trên hết, trước hết, xuyên suốt toàn bộ văn kiện. Nội dung văn kiện phải dựa trên tổng kết thực tiễn của nước ta để đề ra phương hướng, giải pháp phù hợp với Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng gợi ý về đổi mới văn kiện theo hướng “không nên quá dài, phải mang tính định hướng cao để các cấp ủy, mọi đảng viên phải thấm nhuần và thực hiện”. Văn kiện không chỉ phải chuyển tải được niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, mà còn phải khơi dậy được tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.

Động lực cho kỷ nguyên mới  ảnh 2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng Ảnh: PV

Như vậy, có thể hiểu, văn kiện đại hội trong kỷ nguyên mới cần đáp ứng các tiêu chí như ngắn gọn, khoa học, coi trọng thực tiễn Việt Nam, truyền cảm hứng và kiến tạo lòng tin cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế về quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Khát khao thay đổi vị thế quốc gia

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng quán triệt một số định hướng lớn cho việc chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Theo ông, đâu là những điểm then chốt nhất cần tạo đột phá để thúc đẩy phát triển ở nước ta trong thời gian tới?

Tại cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu ra 8 định hướng lớn. Tôi thấy đây không chỉ là những định hướng gắn với kỳ đại hội sắp tới mà vốn là những vấn đề nền tảng, then chốt trong quá trình Đảng lãnh đạo phát triển đất nước, được khẳng định nhất quán trong nhiều kỳ đại hội Đảng gần đây.

Đặt trong quan hệ với tầm nhìn lãnh đạo 2045, tôi quan tâm đến vấn đề chất lượng cán bộ, thể chế, và sự đoàn kết trong Đảng cũng như sự hợp tác rộng rãi trên bình diện xã hội. Từ nay đến năm 2045 chỉ còn 21 năm, cho nên, muốn trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao thì chúng ta phải đạt được những thành tựu phát triển có tính chất đột phá, điều mà các nước như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, hay vùng lãnh thổ Đài Loan đã từng làm được với khoảng thời gian vài ba thập kỷ.

“Đại hội XIV sẽ là dấu mốc quan trọng, mốc son mới trên con đường phát triển của đất nước, của dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự tin, tự lực, tự cường, thể hiện đậm nét ý chí, khí phách và tinh hoa Việt Nam; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; phát huy mạnh mẽ thế và lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Để phát triển đột phá, hiện nay nhiều người ở nước ta vẫn đề cao sự đột phá về thể chế, nhưng cá nhân tôi lại coi trọng hơn những đột phá về con người, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, và chất lượng chính sách. Với đội ngũ cán bộ chất lượng, khát khao thay đổi vị thế quốc gia thì sẽ có thể đề ra được những chính sách “đúng và trúng”, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế hiện nay.

Tôi coi trọng vai trò quyết định của hai yếu tố con người và chính sách đúng đắn trong nỗ lực bứt phá phát triển không có nghĩa phủ định vai trò của các điều kiện thể chế. Trên thực tế, những điều chỉnh thể chế tại các nước đã thành công, có nhiều tương đồng với Việt Nam cũng được thực hiện nhưng theo hướng phục vụ cho các ưu tiên chính sách phát triển quốc gia, chứ không phải tạo điều kiện cạnh tranh tự do để theo đuổi các lợi ích vị kỷ của mỗi cá nhân, nhóm hay doanh nghiệp.

Thành công của các nước trong khu vực cũng gợi ra rằng, yêu cầu quan trọng nhất với đổi mới thể chế là phải tạo điều kiện cho sự hình thành “Liên minh phát triển”, một mối quan hệ hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa các lực lượng xã hội, đặc biệt là giữa chính quyền, doanh nghiệp, và đội ngũ trí thức để cùng theo đuổi các mục tiêu phát triển quốc gia.

Chúng ta phải xác định đúng lực lượng then chốt cho các mục tiêu cách mạng gắn với mỗi thời kỳ khác nhau. Trong kỷ nguyên mới sắp tới, thiết lập, duy trì và gia tăng được sự hợp tác, đoàn kết giữa các lực lượng xã hội then chốt sẽ giữ vai trò quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG