Đông lên Tây xuống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ phản ánh khá rõ vị thế của Đông Á. Khu vực này kiểm soát COVID có vẻ hiệu quả hơn so với phần còn lại của thế giới. Biết đâu điều ấy báo hiệu xu thế Đông Á sẽ soán ngôi phương Tây trên nhiều mặt.

Hãy thử so sánh tình hình dịch bệnh bảy ngày qua. Đứng đầu danh mục năm quốc gia có số mắc cao nhất vẫn thuộc Âu-Mỹ, Ý ít nhất với 230.000 ca và Mỹ kịch khung hơn 1.300.000. Ngược lại, các nước đông dân Đông Á ghi nhận số mắc thấp hơn hẳn. Nhật Bản có hơn 1.500 ca, Indonesia hơn 1.200, và Trung Quốc chỉ 700 ca.

Có lẽ ít ai nghĩ đại dịch COVID sẽ thay đổi cục diện Đông Á. Sau Chiến tranh Thế giới II, hợp tác Đông Á với các trung tâm thế giới cứ như thể định mệnh. Trong khi châu Âu là cực hợp tác dẫn đầu, Mỹ thứ hai, hợp tác trong chính Đông Á luôn tụt hậu.

Dường như đại dịch trực tiếp dẫn đến thay đổi bối cảnh cố hữu này. Trước COVID, hai cực châu Âu và Bắc Mỹ rung lắc mạnh bởi hai cuộc chia tay đau đớn: Anh rời EU và Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đại dịch, hợp tác truyền thống ba cực hầu như lu mờ. Ngược lại, Đông Á không những chịu tổn thất dịch ít hơn so với đối tác mà còn đạt dấu mốc hợp tác nội khối to lớn.

Một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 30% dân số, ra đời ở đây giữa lúc toàn hành tinh vật lộn với dịch. Ngày 15/11/2020, 15 quốc gia Đông Á ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Dự kiến RCEP, bước tiến triển cực kỳ sâu rộng này, sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022.

Cấu trúc mới làm nảy sinh một ẩn số không dễ có lời giải sớm chiều. Hầu như ai cũng đồng tình dẫn dắt Đông Á không ai khác ngoài Trung Quốc (TQ) trên sân chơi mênh mông RCEP. Cũng không ít người hoài nghi khi họ đưa ra kịch bản về một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng là Nhật Bản.

Đất nước mặt trời mọc không giấu tham vọng chấm dứt cảnh chiếu dưới. Mấy năm qua, họ tìm cách giảm phụ thuộc kinh tế vào láng giềng khổng lồ. Năm 2009, xuất khẩu của Nhật sang TQ vượt Mỹ nhưng, 10 năm sau, xu thế này đã đảo chiều.

Cả TQ và Nhật Bản đều là tấm gương khống chế hiệu quả đại dịch. Có điều, mô hình Nhật Bản hấp dẫn hơn khi họ bỏ chiến lược khắc nghiệt Zero COVID. Dường như họ cũng giấu con bài gia nhập RCEP. Đành rằng hợp tác và cạnh tranh với TQ là tất yếu, biết đâu họ còn giúp Đông Á bứt tốc giống như cách họ ứng phó COVID quá thần kỳ.

MỚI - NÓNG