Cảm thán lập tức bật ra từ đám đông: “Giá như học xong tiến sĩ ở lại luôn nước ngoài thì đâu đến nỗi!?”
Du học xong ở lại nước ngoài lập nghiệp hay về nước cống hiến, luôn là câu hỏi day dứt nhất với mọi thế hệ trí thức. Không cần nói ra cũng biết giá trị và khó khăn của sự đánh đổi.
Từ vụ thầy Đăng, liên tưởng ngay tới những bạn trẻ giỏi giang được gọi là “nhân tài” vừa phải ra tòa tại Đà Nẵng. Trong sự đối nghịch trớ trêu trước công luận. Nếu những người như thầy Đăng được dư luận đề cao, như chàng Đông Ki Sốt “hâm tỷ độ” hiếm hoi còn sót lại thời nay (vì không muốn làm quan mưu lợi cá nhân), thì các bạn trẻ kia lại mang gương mặt của những kẻ “bội tín”, ăn cháo đá bát “đáng khinh”!?.
Đà Nẵng suốt hàng chục năm qua đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đưa những đứa con ưu tú đi học khắp thế giới. Đàn chim ấy đa phần đã trở về làm việc cho thành phố (ít nhất 7 năm theo cam kết). Nhưng cũng có những cánh chim lạc nhịp, không “bập” vào được và quay theo guồng máy công chức hiện tại. Trong những “nhân tài” bị thành phố kiện ra tòa do vi phạm hợp đồng, buộc bồi hoàn tiền tỷ (gấp 4-5 lần kinh phí nhà nước đầu tư cho đi học), có một số người vì xin ở lại nước ngoài để tiếp tục học lên, vì học xuất sắc được trường cấp học bổng toàn phần làm tiến sĩ. Một số khác rời công sở sau thời gian ngắn do không phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Dù năng động xé rào cỡ nào, Đà Nẵng vẫn phải mặc chiếc áo chật được may đồng phục trong một nhà máy lớn mang tên “cơ chế”. Guồng máy công chức vẫn quay đều đều, chậm rãi. Có sốt ruột không, khi đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện công trình đột phá sáng tạo, nổi bật nào từ các cá nhân/nhóm “nhân tài” được đầu tư rất lớn trên ?
Thành phố có lỗi không, những “nhân tài” có lỗi không, phiên tòa có lỗi không? Câu chuyện này sẽ cho sai số không nhỏ, nếu các bên đều chỉ nhìn xuống bản hợp đồng ràng buộc nhau, như cơ chế đang ràng buộc chính họ.
“Ở hay về là câu hỏi sai. Cần tôn trọng quyết định cá nhân. Câu hỏi nên là “làm gì để tài năng của thế giới làm việc và cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam?”. Câu nói trên của một giảng viên trong nước từng du học tại Mỹ đang được cộng đồng mạng chia sẻ.
Với những “nhân tài” bị kiện ra tòa ở Đà Nẵng, nên thấu hiểu hơn nữa sự giằng xé chọn lựa giữa bầu trời rộng lớn, bay bổng thăng hoa và cống hiến thực sự, với sự dễ dãi an phận, chấp nhận ép mình vào trang phục may sẵn. Họ chấp nhận sự mất an toàn và trả giá.
Gọi đó là những Đông Ki Sốt, được không?