Đồng bằng sông Cửu Long: Dân ngột ngạt vì... rác

Rác dồn ứ trên đảo Phú Quốc Ảnh: Nhật Huy
Rác dồn ứ trên đảo Phú Quốc Ảnh: Nhật Huy
TP - Mỗi ngày có hàng ngàn tấn rác thải được đổ ra môi trường, tuy nhiên thiếu nhà máy xử lí. Ngay cả khi có nhà máy rồi thì lại luôn gặp trục trặc. Rác dồn ứ khắp nơi trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe người dân.

Ô nhiễm từ đất Mũi...

Đứng xa hàng trăm mét, trông bãi rác Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) ùn ứ thành núi, bốc mùi hôi thối, ngột ngạt đến mức khó thở. Dưới chân bãi rác là nước đen ngòm, tràn ra lênh láng, chảy thành dòng xuống kinh mương.

Bà Lê Thị Ngọc Trâm - người được giao quản lý khu vực bãi rác cho biết, gây ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là những tháng mưa, nước chảy tràn ngập ra tận đường, mùi hôi rất khó chịu. Các loài côn trùng mang mầm bệnh như ruồi, muỗi,… sinh sản ngày càng nhiều. Theo Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu, bãi rác tại ấp Tân Tạo đã hoạt động gần 15 năm qua.

Theo dự tính, bãi rác Tân Tạo đủ chứa rác thải khoảng 10 năm, đến nay đã quá tải, hết khả năng chứa đựng. Bãi rác Tân Tạo “bội thực” nhưng lượng rác thải khoảng hơn 100 tấn rác/ ngày của tỉnh Bạc Liêu phải chuyển vào. Bởi vậy, rác rưởi, nước thải, xú uế tràn ra đường, khiến rất nhiều hộ dân bức xúc, khốn khổ vì rác.

Đồng bằng sông Cửu Long: Dân ngột ngạt vì... rác ảnh 1 Rác tràn ngập rừng phòng hộ
Ngày 24/7/2018, Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại- Du lịch Công Lý (Cty Công Lý), chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau, có tờ trình xin ngưng tiếp nhận rác, để bảo trì thiết bị, thời gian bảo trì, sửa chữa 3 tháng. Ngay sau đó, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn “hoả tốc” gởi các cơ quan chức năng và Cty Công Lý cùng xử lý rác thải ứ đọng, xử lý rác tại chỗ.  Theo đó, trong lúc chờ sửa chữa nhà máy, rác thải được xử lý theo hình thức... chôn sống.       

Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Cà Mau cho biết, qua khảo sát các bãi rác tạm ở Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn…đã hết khả năng chứa đựng, ô nhiễm xảy ra, người dân sống quanh rất bức xúc.

Tại ấp 4, thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân, Cà Mau), năm 2011, khi chưa có nhà máy xử lý rác, chính quyền đã “mượn tạm” 4.000m2 đất rừng phòng hộ để... đổ rác. Giờ đây rác lại tiếp tục được chuyển vào rừng phòng hộ. Tại tiểu khu 5B1, thị trấn Sông Đốc, một bãi rác tạm hơn 1.200m2 cũng được hình thành. Ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm nói: Việc đổ rác trên đất rừng phòng hộ là vi phạm các qui định về bảo vệ rừng, môi trường. Hơn một tháng qua, các cơ quan đã đến kiểm tra, bàn bạc nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo, xử lý. 

Ông Tô Công Lý, Giám đốc nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau, cho biết ba tháng qua đơn vị tạm dừng hoạt động để bảo hành, sửa chữa. Tuy nhiên, do thiết bị nhập khẩu để thay thế chưa về, cần gia hạn thêm khoảng 90 ngày nữa.

Sau 6 năm hoạt động, Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau lỗ khoảng 133 tỷ đồng. Mới đây, ông Tô Công Lý xin UBND tỉnh Cà Mau giao thêm 10 ha đất, xem xét các chính sách thuế, nâng giá hỗ trợ xử lý rác từ 350.000 đồng lên 500.000 đồng/tấn rác. Đây là nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Cà Mau xử lý, khoảng 200 tấn rác/ngày đêm, tổng mức đầu tư hơn 329 tỷ đồng. 
Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Công Lý nói: “Việc áp dụng đơn giá hỗ trợ 350 ngàn đồng/tấn rác không đủ bù chi phí. Nếu nhà máy hoạt động càng lỗ nặng hơn. Trong khi đó, chúng tôi xin 10 ha để mở rộng bị đòi hỏi thủ tục nhiêu khê quá mức”...

Đến Đảo Ngọc cũng ám ảnh... vì rác

Tại tỉnh Trà Vinh, bãi rác thải được chất cao như núi nằm trên tuyến quốc lộ 60 thuộc xã Lương Hoà, huyện Châu Thành tồn tại cả hàng chục năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 7/2017, UBND tỉnh Trà Vinh cùng Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Trà Vinh, tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành trên diện tích 15 ha, sử dụng bằng công nghệ lò đốt Sankio Nhật Bản, công suất 150 tấn rác thải rắn/ngày, thời gian xây dựng hoàn thành dự kiến trong 12 tháng. Tổng vốn xây dựng hơn 79 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam đầu tư với thời gian hoạt động ban đầu của dự án là 20 năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói: “Bãi rác ở xã Lương Hòa đóng cửa ngưng hoạt động hơn 1 tháng nay. Số rác thải được đưa về đổ cạnh nhà máy mới. Theo kế hoạch thì nhà máy sẽ hoạt động vào quý II, rồi quý III nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành hoạt động. Về góc độ địa phương, chúng tôi cũng bức xúc vì bãi rác lớn nằm ngay trên tuyến quốc lộ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vừa qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt với Sở Xây dựng đôn đốc phía đơn vị thi công… tuy nhiên họ chỉ cam kết còn tiến độ thì vẫn chậm”.

Còn tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hiện có 2 bãi rác lớn nằm ở thị trấn An Thới và xã Cửa Dương, đã tồn tại hàng chục năm. Những đống rác được chất cao như núi và không ngừng nhiều lên mỗi ngày, vị trí nằm sát mặt đường chính nên người dân và du khách khi đi qua đây đều phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trung bình số lượng rác thu gom về khoảng 140 tấn/ngày.

Để giải quyết thực trạng trên, tỉnh Kiên Giang đã chủ trương cho xây dựng nhà máy xử lí rác với công suất 200 tấn/ngày (tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh) nhưng do trục trặc về mặt kĩ thuật nên khi mới vận hành thử nghiệm thì ngưng từ ngày 20/10/2017 để sửa chữa.

Trước thực trạng không có giải pháp để xử lí lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày, các địa phương đành phải quay lại giải pháp truyền thống đó là thu gom rác về, đào hố chôn lấp, xử lí mùi. Mặc dù được địa phương nhiều lần gia hạn thời gian nhưng nhà máy xử lí rác vẫn không hoàn thành đúng như tiến độ đã cam kết. Ngày 16/8, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thu hồi dự án này. Hiện nhà máy đã bắt đầu vận hành trở lại, nhưng chỉ xử lý rác tồn từ nhiều tháng qua.

MỚI - NÓNG