Đơn hàng và giá bán đều giảm mạnh

DN may mặc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng đột ngột từ nay đến sang năm 2011 Ảnh: Đại Dương
DN may mặc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng đột ngột từ nay đến sang năm 2011 Ảnh: Đại Dương
TP - Không như dự báo, đơn hàng dệt may xuất khẩu và giá bán những tháng cuối năm 2011 và nửa đầu 2012 đột ngột giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.

> Cơ hội & thách thức
> Giải bài toán phát triển bền vững

DN may mặc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng đột ngột từ nay đến sang năm 2011 Ảnh: Đại Dương
DN may mặc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng đột ngột từ nay đến sang năm 2011. Ảnh: Đại Dương.

Giảm 50-60%

“Đây là hiện tượng khá lạ trong ngành sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc từ trước đến nay” – ông Phạm Xuân Hồng- Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) nói. Ông Nguyễn Ân- Tổng giám đốc Cty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết: “Đơn hàng xuất khẩu trong mùa xuân-hè tới (từ tháng 11- 2011 đến tháng 4- 2012) đang giảm sút nghiêm trọng, với mức giảm từ 50 đến 60%”.

Theo ông Ân, không chỉ giảm sút về số lượng hợp đồng mà còn cả quy mô mỗi đơn hàng. Chẳng hạn, nếu như trước đây mỗi đơn hàng 1 triệu sản phẩm, thì nay còn 700-800 nghìn sản phẩm. Những mặt hàng và thương hiệu giá trị trung bình có mức giảm ít, trong khi những mặt hàng và thương hiệu cao cấp có mức giảm mạnh về số lượng.

Ngoài số lượng, theo ông Ân, giá đơn hàng cũng giảm đáng kể, từ 5-10% đối với hàng gia công. Đối với hàng FOB, có đơn hàng giảm từ 5 USD xuống còn 4 USD/sản phẩm. “Với khách hàng truyền thống thường có mức giảm ít hơn so với khách hàng bình thường, bởi khách hàng truyền thống luôn có sự chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất”- ông Ân nói.

Bà Đinh Phương Phi - Chủ tịch HĐQT Cty dệt may Thế Hòa (KCN Sóng Thần, Bình Dương) cũng xác nhận đơn hàng xuất đi Mỹ những tháng cuối năm 2011, đầu 2012 giảm khoảng 50%. Giá đơn hàng cũng giảm 5-10%.

Theo các doanh nghiệp, đơn hàng giảm sút mạnh nhất vẫn là thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Suy thoái kinh tế là nguyên nhân chính khiến các đơn hàng giảm, riêng tại Nhật còn do ảnh hưởng của thiên tai.

Ngoài ra, theo ông Phạm Xuân Hồng, nếu như vài năm trước xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, tăng lên thì hiện tại việc dịch chuyển này đã lắng xuống và điều đó góp phần khiến đơn hàng giảm sút mạnh.

Ông Hồng cũng cho biết, đặc điểm đơn hàng cũng có nhiều thay đổi. Một mặt thời gian giao hàng rút ngắn, trung bình từ 6 tháng xuống còn 3-4 tháng, buộc các nhà sản xuất phải tập trung nguồn lực để đáp ứng. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ chậm nên nhiều khi khách hàng không hối thúc nhà sản xuất giao hàng như trước đây.

Doanh nghiệp cầm cự

Cũng theo ông Hồng, nhiều DN vẫn đủ đơn hàng từ nay đến cuối năm nhưng cũng phải “co kéo” khéo lắm mới cầm cự được. Chẳng hạn, không ít DN phải chuyển từ sản xuất mặt hàng này sang mặt hàng khác, mặc dù mỗi lần thay đổi mặt hàng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và từ đó ảnh hưởng thu nhập của người lao động. Vì đơn giá giảm nên lợi nhuận cũng giảm chỉ còn tối thiểu.

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự báo xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm 2011 có thể đạt 13,5 tỷ USD, tiếp tục tăng 20,5% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 0,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng- Phó chủ tịch Vitas, con số đó chưa chắc chắn, bởi có quá nhiều biến động của thị trường thế giới mà ta không lường hết được.

 

Ông Hồng tính toán, với DN làm hàng gia công, nếu quản lý tốt và biết chăm sóc công nhân thì xem như hòa vốn. Đối với DN làm hàng FOB không phải vay vốn ngân hàng thì có lãi chút đỉnh và nếu vay vốn thì lợi nhuận còn rất ít.

Nhiều DN không có đơn hàng buộc phải cắt giảm sản xuất, chuyển hướng thị trường để chờ ngày hồi phục. Bà Phương Phi cho biết từ tháng 10 năm ngoái Thế Hòa đã bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản và hiện vẫn đang tiếp tục chuyển dịch sang thị trường này.

Tuy thị trường này có sút giảm nhưng không đáng kể, chính nhờ đó mà kế hoạch sản xuất của công ty không bị thay đổi nhiều khi đơn hàng từ thị trường Mỹ giảm sút.

Nhiều DN khác chuyển hướng sang cung cấp cho thị trường nội địa, song các DN nhìn nhận thị trường nội địa cũng đang gặp khó khăn về sức mua. Doanh thu của nhiều nhà sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa hiện đã giảm 20-30%. Do có nhiều biến động bất ngờ, nhiều DN cho biết sẽ rất khó thực hiện được kế hoạch doanh thu cũng như chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2011 như dự định ban đầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG