Đơn độc giữa Ngân Hà

Anh Xồi làm hến kiêm luôn việc tìm vớt xác người
Anh Xồi làm hến kiêm luôn việc tìm vớt xác người
TP - Bao năm rồi, thôn nghèo ven Quốc lộ 1A này vẫn hoàn nghèo. Ngân Hà là nơi xảy ra nhiều vụ thảm sát đẫm máu thời chiến, cái nôi của cách mạng Quảng- Đà. Giờ, vùng đất thiêng vẫn nằm trong sự chia cắt khó hiểu.

> Mả Lạng chờ mặt trời

Đất thiêng

Con số thống kê của ông Nguyễn Hữu Phương (trưởng thôn Ngân Hà – xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam): Thôn có 210 hộ thì có tới… 210 liệt sĩ, 34 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 tướng quân đội, còn cấp tá nhiều không đếm xuể.

“Như vậy, tính trung bình mỗi gia đình có một liệt sĩ, rứa mà sau bao năm, thôn nghèo vẫn hoàn nghèo như ri đây” – ông Phương nửa tự hào, nửa cay đắng.

Tháng 2, đồng lúa một màu xanh nhức mắt, Ngân Hà là vùng đất hiếm hoi còn lại của Điện Ngọc còn có đất để trồng lúa trước sức tấn công ồ ạt mấy năm nay của các khu công nghiệp (KCN).

Chẳng phải Ngân Hà xa ngái gì, chỉ tội vẫn còn trong vùng trũng, bị cô lập với chính quyền bởi một con sông.

Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phương chỉ tay ra cánh đồng, nói: Kia, ngôi nhà giữa cánh đồng kia là nơi cách nay 46 năm xảy ra vụ thảm sát đẫm máu làm 36 cán bộ cách mạng Điện Ngọc ngã xuống dưới làn đạn kẻ thù.

Còn quán nước ven sông, nơi chúng ta đang ngồi đây hoặc bất kỳ nơi đâu, hàng chục năm về trước, đâu đâu cũng là hầm trú ẩn, là địa đạo lòng dân.

Ông Huỳnh Tửu, cựu chiến binh ở Ngân Hà, người duy nhất của thôn từng chịu án tù Côn Đảo và kinh qua bao khói lửa chiến tranh, dẫn tôi đến con suối, nơi cách đây 46 năm, ông buộc phải nằm im trong con hầm dưới suối, nghe từng tiếng súng địch hạ sát anh em.

Con suối nhỏ đổ ra sông Ngân Hà, lau lách, cỏ dại và từng gốc tre già cỗi xóa mờ tất cả những gì thuộc về quá khứ. Ông Tửu kể: Phải đào hầm dưới con suối chảy, địch không thể phát hiện được.

Cứ 50m có một hầm như thế, hầm có người ở, hầm không. Vụ thảm sát vào tháng 3-1966, cả thôn đều tưởng nhớ và gọi là “trận 66”. “Ngân Hà có mấy đồn địch, chúng chọn mấy nhà dân làm đồn, tên đồn đặt theo tên chủ nhà, gồm đồn Thu, đồn Thành, đồn Lịch…

Lần đó vào nửa đêm, chúng kéo quân tới, dễ đến mấy trung đội, lùng sục khắp nơi, bắt cả đàn ông trai tráng, cả đàn bà trẻ em ra đồn Thu sắp hàng tra khảo.

Mục đích của chúng là lùng cán bộ, du kích, nhưng tuyệt không ai khai gì. Máu điên nổi lên, chúng nổ súng hạ từng người một, sắp thành dãy dài. Tổng cộng 37 người ngã xuống” – ông Tửu hồi tưởng.

Ông Tửu 76 tuổi, đi du kích năm 17 tuổi ở trận địa Tam Kỳ, kinh qua 2 cuộc chiến, 8 năm ở chuồng cọp Côn Đảo nhưng người vẫn chắc như cây lim. “Chỉ đau nhức mình mẩy khi trái gió trở trời”.

Năm 1966, ông tròn 30 tuổi, là chiến sĩ du kích ngay tại Ngân Hà. Đêm thảm sát 37 cán bộ ở đồn Thu, chiến sĩ du kích Huỳnh Tửu may mắn trốn được trong hầm trú ẩn. “Mỗi phát súng ở đồn là một người anh em ngã xuống, tui như bị cắt từng miếng thịt” – ông Tửu kể.

Trận 66 vang dội cả đặc khu Quảng – Đà, khiến lòng căm thù của người dân càng dâng cao. Lòng dân Ngân Hà càng son sắt thủy chung với cách mạng. Trước đã một lòng bám đất, giữ làng, nay lại quyết tâm một tấc không đi một ly không rời.

Ông Nguyễn Hữu Sau (80 tuổi), một cựu chiến binh Ngân Hà, kể: Chiến tranh đã là quá vãng rồi, nhưng nhớ lại, vẫn thấy máu rần rật trong tim. Hồi đó, Ngân Hà như đường biên của đặc khu Quảng – Đà.

Chỉ cần ta yếu, địch mạnh ở Ngân Hà, xem như Đà Nẵng lâm nguy. Bởi thế, mới xảy ra vụ truy kích, đụng độ nảy lửa giữa 7 dũng sĩ Điện Ngọc với quân địch năm 1962.

Theo ông Huỳnh Tửu, dù không có tên trong Bảy Dũng sĩ Điện Ngọc, nhưng liệt sĩ Đặng Xước luôn xứng danh anh hùng trong lòng người dân Ngân Hà nói riêng và Điện Ngọc nói chung.

Theo lịch sử Điện Ngọc, tháng 2-1962, Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng triển khai chiến dịch Đồng khởi diệt ác, trong đó địa bàn Điện Bàn – Hòa Vang làm căn cứ điểm.

Anh Đặng Xước được bầu làm Bí thư ban cán sự của Ban chỉ đạo chiến dịch. Từ ngày 24-4 đến 26-4, trong trận chiến không cân sức giữa đội dũng sĩ Điện Ngọc và hơn 2.000 quân địch, Đặng Xước bị thương nặng, bị địch bắt rồi hy sinh anh dũng.

Bà Nguyễn Thị Cam - một trong 4 bà Mẹ VNAH còn sống ở Ngân Hà, móm mém kể: Ngày đó, tất cả vì tiền tuyến. Cả làng quyết tâm bám trụ, che chở cho cán bộ hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.

Mẹ có 3 người con trai thì hai người đều hy sinh, nước mắt bây giờ cạn rồi. Chúng nó hy sinh, góp phần xương máu cho độc lập dân tộc, cũng không uổng…

Mịt mù mơ một cây cầu

Ngân Hà cách trở, khát khao một cây cầu
Ngân Hà cách trở, khát khao một cây cầu.
 

Trên Google Map, Ngân Hà nằm ở vị trí… đắc địa của vùng phát triển kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ trung tâm Đà Nẵng, mất chừng 15 phút xe máy đến Ngân Hà.

Từ Ngân Hà nhìn sang, KCN Điện Nam – Điện Ngọc sát nách. Lan man thế để hiểu, đất thiêng Ngân Hà có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Vậy nhưng, sau bao nhiêu năm hậu chiến, chẳng những kinh tế chưa phát triển, mà thỉnh thoảng còn có thêm những cái chết tức tưởi, đau lòng do hà bá!

Trưởng thôn Phương bên bảng ghi công của vùng đất thiêng Ngân Hà Ảnh: Nam Cường
Trưởng thôn Phương bên bảng ghi công của vùng đất thiêng Ngân Hà.  Ảnh: Nam Cường .

Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phương cho hay, người dân Ngân Hà luôn có một nhu cầu bức thiết là phải có cây cầu để đi từ thôn tới xã Điện Ngọc. “Cực nhất là khi có người đau ốm phải đưa vào trạm xá xã, luôn phải qua đò. Rồi học sinh đi học, hàng trăm công nhân đi làm ở KCN, hằng ngày cứ phải đợi đò”. Ông Phương nói:

Người sống khổ đã đành, người chết cũng chả sung sướng gì, bởi nghĩa trang nằm phía bên kia sông, mỗi lần đám tang, hoặc đi vòng, hoặc dùng đò chở quan tài qua sông – một hình ảnh hiếm có ở cái làng nằm bên nách thành phố trực thuộc T.Ư.

Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Tửu (bán ve chai) không may bị chết đuối trên sông Ngân Hà.

Trước đó, đúng ngày 20-11- 2011, một học sinh đi thăm thầy cô, khi qua sông ngã xuống chết đuối. “Đó là hai cái chết gần đây nhất, còn trước kia, đếm không xuể” – ông Phương nói.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cam, buồn buồn: Thời chiến, máu người Ngân Hà tưới xuống vùng đất cát này nên mỗi nắm cát đều trở thành cát thiêng. Nhưng bây giờ, chỉ vì thiếu một cây cầu mà lắm mạng sống ở Ngân Hà tức tưởi ra đi.

Cứ nơm nớp, không biết ngày mai ngày kia đứa mô lại bị hà bá bắt đi. Đầu bạc cứ khóc đầu xanh”. Ông Nguyễn Hữu Nông, đã 16 năm nay cần mẫn chèo đò đưa người qua sông, bảo: “Tui chỉ muốn thất nghiệp”.

Còn ông Sau (80 tuổi) lại mơ ước: Ước chi có một cây cầu qua sông Ngân Hà trước khi nhắm mắt, thế là thỏa nguyện một đời.

Anh Xồi, với nghề vớt hến trên sông Ngân Hà, kể chuyện vớt xác người: Có người chìm 7 ngày, có người 3 ngày, người lại mấy tiếng đồng hồ, ớn lắm.

Nhiều lúc muốn bỏ thuyền lên bờ, nhưng nghĩ cái nghiệp vớt hến, rồi cứu người vận vào rồi. Bỏ thì tội người ta lắm.

Chừ ngồi đây chứ không biết mai mốt chi, lại phải mò mẫm cùng các thuyền đi vớt xác. Ở vùng đất mang cái tên Ngân Hà mà chưa thấy sáng sủa tí nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG