Đội xe ôm trăm lần hiến máu tình nguyện

Đội xe ôm hiến máu tình nguyện.
Đội xe ôm hiến máu tình nguyện.
TPO - “Sáng Chủ nhật (28/1), anh em xe ôm tụi tôi sẽ tranh thủ đến hiến máu ở ngày hội Chủ Nhật Đỏ rồi quay trở lại chạy xe tiếp” - ông Đoàn Văn Bảnh, Đội trưởng đội xe ôm ở thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) nói với phóng viên Tiền Phong.

Cứu người là vui rồi

Ông Đoàn Văn Bảnh năm nay 58 tuổi ở khu phố 7, thị trấn Giồng Riềng 13 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Hằng ngày ông cùng các anh em trong đội đậu ở góc chợ, sát chân cầu Giồng Riềng để chở khách. Ông cho biết, trong đội có 15 thành viên, ở đây có bảng ghi tua, đến lượt người nào thì người đó chạy chứ không có chuyện tranh giành khách rồi rồi xảy ra xích mích với nhau. “Ai cũng nghèo, lo chạy để kiếm miếng cơm nuôi gia đình, con cái ăn học. Hôm trúng ngày được vài trăm, còn hôm thất thì cùng vài chục, đủ đắp đỗi qua ngày, tối về quây quần bên gia đình, cứ thế anh em ai cũng vui vẻ”, ông Bảnh nói.

 Theo ông Bảnh, trong đội ngoài việc chạy xe thì còn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện mà ông là người hiến đầu tiên vào năm 2011. Ông kể, lần đầu hiến máu cảm giác lo sợ vì trước giờ chưa từng hiến máu lần nào, tuy nhiên hiến xong trong người thấy bình thường, không vấn đề gì, còn được kiểm tra sức sức, xem có bệnh gì không để biết chữa trị. Sau lần đó, hễ có đợt do địa phương phát động thì ông rủ thêm anh em trong đội đi cùng, mỗi lần thêm 1 – 2 người, đến nay thì hầu như tất cả các thành viên đều đã tham gia hiến máu, người nhiều nhất là ông Bảnh 14 lần, còn ít nhất cũng 5 lần. 

Ông Phạm Thanh Tuấn, cùng đội xe ôm đến nay hiến máu được 12 lần. Ông cho biết, anh em cuộc sống vất vả, phần lớn là không ruộng đất, điển hình như gia đình ông, chỉ có chiếc xe gắn máy “cà tang” cày cuốc để mưu sinh nuôi vợ và 2 con ăn học. “Tuy vất vả nhưng nghĩ lại xã hội còn nhiều người khốn khổ hơn, bản thân mình cho đi được gì thì cứ làm để tích đức cho con cháu về sau”, ông Tuấn nói.

Cùng đội, ông Huỳnh Tấn An ở ấp Ngọc Thạch, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) vừa chở khách về đến bến, góp chuyện: “Anh em tụi tui chạy xe kiếm từng đồng nhưng hễ có đợt hiến máu là nghỉ chạy đi hiến ngay. Tuy mình mất đi chút thời gian để kiếm tiền nhưng cứu được người trong lòng vui và thanh thản hơn nhiều”, ông An nói. Theo lời ông, mỗi khi có đợt tham gia hiến máu là ông xung phong đi bất kể nơi đâu, có khi hiến tại xã, lên huyện thậm chí lên tỉnh cách nhà gần 50 km ông vẫn không ngại. “Tôi hiến máu là để giúp người chứ không nghĩ chuyện được thưởng hay bằng khen gì cả. Hễ nghe phát động là tranh thủ tham gia, như thế là cuộc sống có ý nghĩa rồi”, ông An bộc bạch.

Ông An kể, có lần thấy xe gặp tai nạn, ông dừng lại rồi chở nạn nhân đi cấp cứu trên người be bét máu, nếu không có giọt máu kịp thời trong bệnh viện để tiếp máu thì nạn nhân sẽ rất khó qua khỏi. Cũng chính điều đó đã thôi thúc ông cùng các thanh viên trong nhóm nhiệt tình chia sẻ giọt máu của mình. Ngoài ra, có lần đồng đội của ông bị bệnh thiếu máu cách nay chưa đầy năm cũng nhờ đến những giọt máu nghĩa tình này đã cứu sống nên ông cảm nhận được ý nghĩa cũng như sự chia sẻ giọt máu của mình cho người khác.

Lan tỏa cộng đồng

Anh Lâm Quốc Toàn, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang cho rằng, hiến máu không chỉ dành cho ĐVTN hay chỉ là trách nhiệm của các bạn trẻ mà đã lan tỏa ra cộng đồng xã hội. Đồng thời, còn là hoạt động ý nghĩa, cao cả mà những người khoẻ mạnh trong toàn xã hội có thể tham gia để cứu người vì lượng máu mất đi sẽ nhanh chóng được cơ thể tái sinh. “Đây là một hoạt động có ý nghĩa lan toả mạnh mẽ, không những các bạn sinh viên mà còn rất nhiều người ở nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau cũng đến tham gia ủng hộ. Điều đó phần nào đã thể hiện hoạt động hiến máu cứu người ngày càng được nhận thức đúng và quan tâm ủng hộ từ cộng đồng”, anh Toàn bộc bạch.  

Ông Hồ Văn Bé, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Giồng Riềng nói: “Điểm mới trong công tác vận động hiến máu hiện nay là có nhiều gia đình tích cực tham gia hiến máu tình nguyện hàng chục lần. Từ đó đã góp phần thay đổi hành vi người cho máu, lực lượng hiến máu tình nguyện ngày càng đông, lượng máu thu được ngày càng nhiều góp phần cứu chữa người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo”, ông Bé nói. Ngoài ra, ông cho biết, trong các cuộc vận động hiến máu tình nguyện đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu liên tục hiến máu nhiều lần và tích cực vân động bạn bè, người thân gia đình, đồng nghiệp tham gia.

Ông Lưu Kim Oai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang đánh giá, trong những năm qua phong trào hiến máu tình nguyện trong tỉnh ngày một phát triển sâu rộng, thu hút được các tầng lớp xã hội tích cực hưởng ứng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn chú trọng, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức cùng với sự phối hợp nhiệt tình của các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó thúc đẩy được phong trào đông đảo các tầng lớp từ trí thức đến nông dân, chức sắc tôn giáo tích cực tham gia và đạt được những kết quả đáng kể.

Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các cơ sở tích cực tuyên truyền vận động và tổ chức 85 điểm hiến máu tập trung. Kết quả, thu được 17.362 đơn vị máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân, đạt 126% chỉ tiêu.

MỚI - NÓNG