ĐT Pháp có thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác như KFC, Coca Cola, Uber Eats… nhưng Mbappe không hài lòng với một vài đối tác trong danh sách này. Bởi theo anh, vốn là một người “ăn uống lành mạnh và chống cờ bạc”, Mbappe không ủng hộ một vài thương hiệu kinh doanh các dịch vụ này “tận dụng hình ảnh” của anh.
Đây không phải là lần đầu tiên anh tẩy chay các hoạt động của đối tác quảng cáo. Hồi tháng 3 vừa qua, Mbappe cũng có động thái tương tự. Anh cho rằng các tuyển thủ có quyền kiểm soát quyền lợi của mình, không phải tuân theo bất cứ yêu cầu nào từ LĐBĐ Pháp (FFF) trong các hợp đồng tài trợ.
Phía FFF tỏ ra rất cứng rắn. Họ không thay đổi bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng tài trợ, buộc tất cả các cầu thủ được triệu tập dự World Cup 2022 phải chấp hành.
Mbappe không muốn gắn thương hiệu với một vài đối tác quảng cáo |
Nhìn chung, trước động thái cứng rắn từ Mbappe, FFF đang tiến thoái lưỡng nan. Nên nhớ hàng năm, họ bỏ túi gần 100 triệu euro từ các hợp đồng tài trợ. Đây là một con số khổng lồ, nhưng Mbappe cũng là một ngôi sao lớn. FFF sẽ phải cân nhắc quyền lợi để dung hòa tất cả các bên.
Ngoài vấn đề Mbappe, họ còn đau đầu bởi nhiều rắc rối khác ở nội bộ tổ chức. “FFF đã nhận được các cáo buộc bao gồm hành vi không phù hợp của Le Graet đối với các đồng nghiệp nữ trẻ tuổi”, tạp chí SoFoot nói về việc chủ tịch LĐBĐ Pháp, Le Graet, bị cáo buộc quấy rối phụ nữ sau khi họ có được những thông tin từ nhà báo điều tra Romain Molina.
Thậm chí tờ báo này còn khẳng định suốt 4 thập kỷ qua, FFF đã “che đậy các vụ lạm dụng tình dục trong Liên đoàn”. Bộ Thể thao Pháp khẳng định sẽ tiến hành điều tra vụ việc này và “không có bình luận gì thêm cho đến khi cuộc điều tra kết thúc”.
Trong khi đó, HLV Didier Deschamps quyết bảo vệ sếp của mình. "Có rất nhiều điều sai trái, dối trá, vô lý đã xuất hiện (từ các cáo buộc của SoFoot)", Deschamps tuyên bố trên kênh TF1. "Rõ ràng, điều này tạo ra một bầu không khí nhốn nháo, mất thanh bình trong đội tuyển và liên đoàn".