30% bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến giáp do… tình cờ
BS Phan Hoàng Hiệp, Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, ung thư tuyến giáp chiếm 1% trong các loại ung thư, đây là thể loại u ác tính phổ biến nhất của hệ thống nội tiết. Ung thư tuyến giáp có hai loại, gồm thể biệt hóa và thể không không biệt hóa. Trong đó, thể biệt hóa chiếm đa số với 80% trường hợp mắc, gồm các thể nhú, thể nang và thể hỗn hợp nhú - nang. Đặc biệt, khoảng 30% bệnh nhân phát hiện ra bệnh do… tình cờ đi khám, không vì các triệu chứng đặc biệt của bệnh, do ung thư tuyến giáp có biểu hiện bệnh rất nghèo nàn, hoặc người bệnh không chủ động đi khám bệnh.
Ông Vũ Duy M (57 tuổi ở Hải Phòng), một bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp đang điều trị tại Khoa Điều trị kỹ thuật cao cho biết, ông phát hiện bệnh rất… tình cờ do đi siêu âm động mạch cổ vào tháng 7/2016. Lần đó, bác sĩ nghi ngờ cổ ông có vấn đề, còn trước đó ông không hề có triệu chứng gì nổi bật. Khi đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám, ông được chẩn đoán đa nhân tuyến giáp thùy phải. Sau 3 tháng dùng thuốc đặc trị tuyến giáp, vùng cổ của ông vẫn nổi thêm vài hạch nhỏ. “Tôi sờ mãi thì không thấy hạch đâu, trong khi bác sĩ sờ nắn một lúc là thấy”, ông M cho biết. Hiện ông đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp thùy phải và chọc tế bào lấy nhân thùy trái để tiến hành giải phẫu bệnh, nhằm xác định tình trạng nhân giáp lành tính hay ác tính?
Theo BS Phan Hoàng Hiệp, trong số hơn 100 bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong vài năm gần đây, có tới gần 90% bệnh nhân tự phát hiện ra bệnh. Điều đó chứng tỏ trong thời kỳ đầu, ung thư tuyến giáp phát triển âm thầm, không rõ rệt. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến việc phát hiện ra bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho thấy, có tới gần 53% bệnh nhân đã có di căn hạch cổ khi đến khám. Cũng do phát hiện chậm, diễn biến bệnh lại không “rầm rộ”, nên bệnh nhân được phẫu thuật muộn.
BS Phan Hoàng Hiệp cho biết, lứa tuổi trung bình của bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong khoảng từ 25-35 tuổi, trong đó có những bệnh nhân chỉ mới hơn 10 tuổi đã phát hiện ra bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân là nữ gặp nhiều hơn nam (khoảng 3 - 8 bệnh nhân nữ thì có 1 bệnh nhân nam). Đó là do sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới nhiều hơn nam giới (do chu kỳ kinh nguyệt, sinh đẻ, tuổi tác…).
Không nên bỏ qua các dấu hiệu dưới đây
Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ siêu âm chẩn đoán, việc phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm đã dễ dàng hơn. BS Phan Hoàng Hiệp chia sẻ: Một số triệu chứng có thể nghĩ đến bệnh này (triệu chứng cơ năng) như nuốt nghẹn, nói khàn, cảm giác nghẹt, tức ở cổ. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là triệu chứng chính để bệnh nhân khám và điều trị.
“Có rất nhiều bệnh nhân đến viện do thấy có khối u, hạch ở cổ, hoặc do bướu cổ. Một số triệu chứng cơ năng trên đây một phần giúp cho việc chẩn đoán chính xác, nhưng thường chỉ gặp ở bệnh nhân tới khám ở giai đoạn muộn. Lúc này khối u đã gây chèn ép hoặc nhiễm vào các tổ chức xung quanh như cơ, khí quản, thần kinh, gây triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Điều này dù giúp bác sĩ chẩn đoán dễ hơn, nhưng nó sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị, tiên lượng bệnh”, BS Phan Hoàng Hiệp nói.
Nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng lâm sàng đầu tiên thường gặp là có u tuyến giáp với hơn một nửa số bệnh nhân gặp phải. Tiếp đến là bệnh nhân có hạch cổ kết hợp u tuyến giáp, hạch cổ đơn thuần kèm nuốt vướng và khàn tiếng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác là bệnh nhân ung thư tuyến giáp có cảm giác tức, vướng, bó chặt vùng cổ, nghẹn khi ăn, khàn tiếng, đau tại chỗ lan lên mang tai…
Còn với các triệu chứng thực thể, BS Phan Hoàng Hiệp cho biết, nhân tuyến giáp và hạch cổ là hai triệu chứng thường gặp và xuất hiện đầu tiên của ung thư tuyến giáp ở hầu hết bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân gặp triệu chứng u giáp đơn thuần và hạch vùng cổ nên đã đi đến khám.
Chia sẻ với chúng tôi bên giường bệnh, ông Vũ Duy M chia sẻ, bản thân ông và một số bệnh nhân tại đây do tình cờ mà phát hiện ra bệnh. “Tôi để ý thấy, có thể chúng ta đi khám sức khỏe định kỳ nhưng lại hay bỏ quên siêu âm tuyến giáp. Do vậy, tôi nghĩ khi đi siêu âm ngoài siêu âm ổ bụng, tuyến vú, hay tim, phổi… nên siêu âm cổ để phát hiện sớm bệnh. Nhiều người không hề đau đớn, không có biểu hiện gì, nhưng khi khám xong lại đã phát hiện bệnh ở mức độ cao hơn trung bình, cần can thiệp rồi”, ông M cho biết.
Theo BS Phan Hoàng Hiệp: Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp khi u có kích thước còn nhỏ, sau điều trị có tỷ lệ tái phát và tử vong thấp hơn. Do đó, bệnh nhân cần đi khám sớm. Khi phát hiện thấy u vùng cổ, mặt... phải phối hợp thêm khám lâm sàng và cận lâm sàng (siêu âm, xạ hình, Xquang…) để phát hiện được các u tuyến giáp có kích thước nhỏ còn nằm sâu để tăng hiệu quả điều trị.