Đối thoại về khúc mắc đền Đá Thiên

Chính quyền huyện Đồng Hỷ yêu cầu gia đình bà thủ nhang Hoàng Thị Lý tháo dỡ tam quan đền Đá Thiên bị chặn
Chính quyền huyện Đồng Hỷ yêu cầu gia đình bà thủ nhang Hoàng Thị Lý tháo dỡ tam quan đền Đá Thiên bị chặn
TP - Nguồn gốc đất đai và lịch sử đền Đá Thiên, một số khúc mắc xung quanh chuyện quản lý đền bước đầu được làm rõ trong hội nghị đối thoại trực tiếp của Huyện ủy Đồng Hỷ (Thái Nguyên) với gia đình bà thủ nhang, sáng 27/12.

GIA ĐÌNH ĐÒI GIỮ ĐỀN!?

Gia đình bà Hoàng Thị Lý thủ nhang đền Đá Thiên, mới đây gửi đơn trình bày tới báo Tiền Phong xung quanh câu chuyện trục lợi tín ngưỡng ở đền Đá Thiên (đăng tải trên báo Tiền Phong ngày 23/9). Huyện Đồng Hỷ mời đại diện báo Tiền Phong tới dự hội nghị đối thoại với người dân sáng 27/12 tại Nhà văn hóa Trại Cau.

Tại hội nghị, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, Trưởng Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng đền Đá Thiên, một lần nữa trình bày về nguồn gốc hình thành đền, diễn biến quản lý đất đai và xây dựng, hoạt động tín ngưỡng trong đó có việc một gia đình bịt tam quan phía đông nam. Ông Khoa nhắc lại, ngày 3/12, BQL cùng đại diện chính quyền địa phương vào đền để thực hiện chức trách quản lý nhà nước thì gặp phải sự cản trở quyết liệt của gia đình bà Lý. Gia đình bà còn huy động người gây náo loạn tại đền.

Vì lý do tuổi cao sức yếu, bà Lý chỉ xuất hiện chốc lát tại buổi đối thoại, ủy quyền cho bà Hoàng Kim Dung - luật sư. Bà Dung phủ nhận những kết luận của chính quyền huyện Đồng Hỷ về việc khu vực đền Đá Thiên là đất công, thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Bà Dung cho rằng, cần làm rõ nội dung này và khẳng định đất đền là thuộc sở hữu của gia đình bà Lý. “Nếu cần, chính quyền có thể khởi kiện ra tòa và chúng tôi sẵn sàng theo kiện”, luật sư Dung nói.

Luật sư đại diện thủ nhang cũng phủ nhận vai trò của BQL: “BQL không phải người thi hành công vụ, cho nên chúng tôi không phải chống người thi hành công vụ. Đề nghị BQL chấm dứt hành vi xâm phạm chỗ ở của gia đình bà Lý”.

Tiếp tục khẳng định nguồn gốc sử dụng đất thuộc về gia đình, con rể bà Lý, ông Trần Anh Cường, cho rằng, từ năm 1967 đến nay, gia đình liên tục canh tác và có thêm nhiều hoạt động tăng thêm giá trị khu đất. Khá gay gắt, ông Cường thay mặt con cháu thủ nhang đề nghị chính quyền huyện Đồng Hỷ chấm dứt các hành động “khủng bố” gia đình cũng như việc triệu tập các thành viên của gia đình lên làm việc mà không ghi rõ lý do. Ông Đoàn, con trai bà Lý, cũng không đồng ý với việc được đưa tên vào BQL đền, bởi hôm bầu, ông không tham gia. 

TRANH CÃI, BỨC XÚC

Sau khi lắng nghe phần trình bày của gia đình, ban chủ tọa mời một số đại diện cư dân xung quanh khu vực đền Đá Thiên phát biểu. Trước ý kiến gia đình bà Lý nói rằng đất xây đền là do gia đình có công khai khác, ông Lương Văn Thái khẳng định, thời điểm năm 1967, ông làm việc tại hợp tác xã và mảnh đất dựng đền là đất đồi trồng sắn cứu đói cho dân, sau này xã không làm nữa thì gia đình bà Lý mới tiếp quản. Ông cũng bức xúc việc dân bầu ra BQL để giúp dân quản lý theo pháp luật nhưng bị gia đình ngăn cản, phải ngồi chầu rìa ngoài đền.

Ông Vũ Đình Quang (sinh 1932, bộ đội chuyển ngành về khu Trại Cau từ năm 1964) ghi nhận công lao của bà Lý trông nom đền suốt nhiều năm qua và đề nghị tỉnh, huyện có giải pháp hỗ trợ công lao. Tuy nhiên, ông Quang cũng nêu lịch sử phát tích đền bắt nguồn từ miếu nhỏ do cụ thân sinh ông Hoàng Văn Hòa khởi dựng, sau đó ông Hòa giao cho bà Nguyễn Thị Mậu nhưng bà lại giới thiệu bà Lý trông nom. Ông cũng nhắc lại quá trình bà Nguyễn Thị Huyền lặn lội từ Quảng Ninh lên cải tạo khu đất hoang vắng này, tu bổ thành đền Đá Thiên khang trang hơn xưa và thu hút ngày càng đông khách thập phương.

Cụ Hoàng Văn Hòa ốm không tới dự, con gái là bà Hoàng Thị May nói: “Nếu nói có công thì không riêng gì bà Lý, mà dân làng và ông cụ thân sinh ra bố tôi cũng có công. Sau này, năm 2006, bà Nguyễn Thị Huyền có công khởi xướng việc tôn tạo xây dựng đền”. Ông Nguyễn Văn Thọ (một trong số thành viên BQL đền) tự nhận chưa làm hết trách nhiệm, bởi BQL không thể vào trong đền thực thi trách nhiệm người dân giao phó. Không chỉ ngồi chầu rìa bên ngoài đền, ông Thọ còn bị người nhà bà Lý dùng ngôn từ xúc phạm.

Bà Nguyễn Thị Huyền (có công kêu gọi tiền công đức xây dựng đền năm 2006-2008, được nhiều người dân nhắc) bất ngờ xuất hiện tại hội nghị. Bà nói rằng, không thể im lặng hơn nữa trước sự lộn xộn này. Bà chỉ mặt những người con dâu, con rể của bà Lý: “Suốt ba năm chúng tôi xây dựng đền, không thấy con trai, con gái, dâu, rể nào đến quét một cái lá đa. Các anh chị chỉ đến khi đền bắt đầu đông khách thôi”. Bà Huyền nói rằng, không đòi hỏi quyền lợi, công trạng gì đối với việc dựng đền, chỉ mong lãnh đạo địa phương giải quyết đúng pháp luật và thấu tình đạt lý.

GIẢI QUYẾT HÀI HÒA

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên phân tích một số quy định pháp luật, trả lời bước đầu về việc gia đình bà Lý chưa đủ cơ sở pháp lý để được công nhận quyền quản lý, sử dụng đất. Chính quyền kết luận, đất xây dựng đền thuộc đất công, do UBND thị trấn Trại Cau quản lý. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc hình thành và phát triển ngôi đền cũng dựa trên nhu cầu tín ngưỡng của người dân bản địa. Đền là thiết chế tín ngưỡng chịu sự quản lý của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban tôn giáo tỉnh, xác định đền Đá Thiên là cơ sở tín ngưỡng, nơi thực hành tín ngưỡng của cộng đồng và bây giờ phải đưa vào quản lý nhà nước theo quy định pháp luật.

“Không ai phủ nhận công lao của cụ Hoàng Thị Lý, tuy nhiên BQL đền hình thành và có vai trò đảm bảo an ninh trật tự, đặt và quản lý hòm công đức theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, nói. Ông Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, trong phần kết luận một lần nữa nhắc lại công lao không thể phủ nhận của bà Lý, công lao này phải được cộng đồng và các cấp chính quyền ghi nhận, bù đắp xứng đáng. Việc làm này không chỉ thực hiện đối với bà Lý, mà còn phải quan tâm tới những cá nhân, cộng đồng có công lao đóng góp khác.

Bí thư huyện Đồng Hỷ cho biết, địa phương sẽ xác minh làm rõ thêm về nguồn gốc mảnh đất xây dựng đền. Ông khẳng định, công trình tín ngưỡng này được hình thành từ công lao của nhiều người, trong đó bà Lý. “Kinh phí hình thành các công trình tín ngưỡng do tiền công đức, từ đóng góp của cộng đồng và gia đình, nhưng không có chuyện gia đình bà Lý có thể hình thành độc lập nên hệ thống công trình đền”, ông Hải kết luận. Xung quanh câu chuyện quản lý đền, lãnh đạo huyện tái khẳng định phải tuân thủ pháp luật. Trường hợp các bên không thống nhất và gia đình tiếp tục quản lý như hiện tại, huyện yêu cầu thanh tra toàn diện để xem xét xử lý hành vi vi phạm.

Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ yêu cầu cộng đồng tổ dân cư, gia đình bà Lý và BQL đền tổ chức cuộc họp thống nhất về quản lý ngôi đền theo tinh thần đây là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng. Huyện cũng giao thị trấn rà soát quá trình thành lập BQL, yêu cầu kiện toàn BQL. Huyện đề nghị hoàn tất hồ sơ xử lý hành chính với hai công trình xây mới vi phạm tại đền Đá Thiên, yêu cầu gia đình tháo dỡ và trả nguyên trạng.

MỚI - NÓNG