Sáng 26/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc đối thoại với Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Không nhập được xe ô tô vào Việt Nam
Theo các phản ánh của doanh nghiệp, có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03. Đó là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; quy định thử nghiệm khí thải và an toàn theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường chạy thử đối với hoạt động sản xuất ô tô trong nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam Toru Kinoshita, Nghị định 116 đã không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Hậu quả là cho đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay.
Chủ tịch VAMA cho rằng, các quy định trong Nghị định 116 đã làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Kiểm soát chất lượng, an toàn phương tiện
Không đồng tình với lập luận trên của lãnh đạo VAMA, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình giấy này. Theo ông Dương, tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu. Ông nhấn mạnh, đây là tài liệu để khách hàng biết được xe của họ mua ở công nghệ nào, tính năng ra sao.
“Trong bối cảnh thị trường xe trong nước, hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt, chúng ta chưa thể kiểm soát được nhưng vụ TNGT xảy ra có bị ảnh hưởng bởi chất lượng xe hay không mà chủ yếu đều quy kết cho lái xe là chính thì giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết”, ông Dương nói.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với lãnh đạo Trường Hải và nhấn mạnh rằng nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Về quy định kiểm định theo lô, ông Dương phản ánh thực tế là hiện nay có tình trạng đưa một mẫu động cơ để kiểm định thì đạt EURO 4 nhưng các lô nhập khẩu về, bớt xén đi, có thể lại không đạt.
“Sẽ là tai hại lớn nếu chúng ta nhập về lượng xe lớn mà không bảo đảm xử lý chất thải EURO4, đặc biệt xe giảm thiểu an toàn để giảm giá sẽ để lại một hệ lụy rất lớn”, ông Dương nói.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. Không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.
Ông Dũng cho biết, sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề.