Đổi thay từ chuyển đổi số (Bài cuối): Chuyển mình mạnh mẽ, kết quả ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyển đổi số trở thành chủ đề, mạch nguồn xuyên suốt trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ Đại hội Đoàn XII, tạo động lực mạnh mẽ để tuổi trẻ cả nước thực hiện sứ mệnh tiên phong của mình.

Mạch nguồn xuyên suốt

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định “Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số” là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ. Năm 2023, T.Ư Đoàn chọn chủ đề công tác “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Tinh thần, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của T.Ư Đoàn đã tạo nguồn cảm hứng, động lực cho tuổi trẻ cả nước xung kích, phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngay từ đầu năm 2023, đồng loạt 67/67 tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc cùng ban hành và triển khai chương trình công tác năm đồng bộ với chủ đề chuyển đổi số của T.Ư Đoàn, trở thành mạch nguồn xuyên suốt trên mọi lĩnh vực.

Đổi thay từ chuyển đổi số (Bài cuối): Chuyển mình mạnh mẽ, kết quả ấn tượng ảnh 1

Bạn trẻ trải nghiệm không gian sáng tạo - thực tế ảo do Cụm đồng bằng Sông Tiền trao tặng

Chị Nguyễn Ny Hương, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, tuổi trẻ toàn tỉnh đã nhanh chóng chuyển mình, thích ứng với xu thế chuyển đổi số. Trong đó, Tỉnh Đoàn đã ứng dụng mạng xã hội trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cụ thể hóa “chuyển đổi số” thành mô hình, giải pháp, công trình, phần việc trong truyên truyền, triển khai chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai “Bản tin số thanh niên” trong Tháng Thanh niên 2023 và đang triển khai Bản tin số Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè. Bên cạnh đó là hàng loạt công trình, phần việc thanh niên số hóa ấn tượng, như: xây dựng hệ thống điểm mã QR tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ; thư viện pháp luật số; bản đồ số thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp…

“Toàn tỉnh đã thành lập gần 300 “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại 216 xã, phường, thị trấn tuyền truyền, hướng dẫn kích hoạt thành công hơn 200.000 tài khoản định danh điện tử, góp sức đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử”, chị Hương cho hay.

Theo chị Hương, chuyển đổi số đã tạo môi trường để tuổi trẻ Hà Tĩnh phát huy vai trò, sứ mệnh tiên phong của mình tham gia xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số, công dân số, kinh tế số.

Góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội

Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, đầu năm 2022, Hà Nội được giao làm điểm, làm mẫu thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

Cùng với các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, Đoàn Thanh niên Thủ đô đã triển khai quyết liệt các phần việc của tuổi trẻ. Đặc biệt, tháng 6/2023, Thành Đoàn cùng Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội thực hiện chiến dịch cao điểm ra quân 88 đội hình triển khai cấp CCCD và kích hoạt định danh điện tử cung cấp chữ ký số và chuẩn hóa thông tin thuê bao cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô.

Theo anh Hưng, yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số đã tạo động lực cho tuổi trẻ Thủ đô không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra nhiều sản phẩm số phục vụ hiệu quả công việc. Trong đó, đáng chú ý là máy quét NFC và nhận diện gương mặt iHUB, giao thức truyền dẫn và xử lý hình ảnh camera phân tán, các giải pháp ứng dụng thẻ CCCD làm công cụ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đã bước đầu được các cơ quan, tổ chức trên địa bàn đón nhận, được các bộ, ngành đánh giá cao.

“Việc tham gia tích cực của tuổi trẻ thủ đô cùng Thành phố thực hiện nhiệm vụ làm điểm, làm mẫu thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân”, anh Hưng nói.

Nhiều dấu ấn lớn

Đối với T.Ư Đoàn, chuyển đổi số được Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết liệt triển khai trong từng công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai công việc, tạo nên dấu ấn lớn trong thời gian qua.

Điển hình như, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 trong hai ngày 4 - 5/3/2023, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút gần 11.000 điểm cầu địa phương tại trụ sở Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, hơn 713.000 cán bộ, đoàn viên tham gia trực tiếp tại các điểm cầu.

Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” tổ chức ngày 17/3 kết nối tới hơn 11.000 điểm cầu trong và ngoài nước; thu hút hơn 9,2 triệu lượt tiếp cận trên các nền tảng trực tuyến, hơn 3.500 câu hỏi gửi về. Đây là những con số kỷ lục trong triển khai các hoạt động của Đoàn nhờ áp dụng chuyển đổi số.

Mới đây, hội nghị Ban thường vụ và Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 3, khóa XII là kỳ họp đầu tiên áp dụng hệ thống phòng họp không giấy E-cabinet. Tài liệu đã được đăng tải lên hệ thống E-cabinet từ sớm để các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến qua hệ thống E-cabinet giúp văn phòng, các ban T.Ư Đoàn tổng hợp, tham mưu giải trình, tiếp thu. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, thời gian, cũng như tạo cơ hội cho các đại biểu đều được nêu ý kiến của mình.

Hiện tuổi trẻ cả nước đang có những ngày hè tình nguyện sôi nổi, trong đó, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt được các đội hình thực hiện là hỗ trợ nâng cao năng lực số, hỗ trợ cài đặt và xác thực định danh điện tử mức độ 2 trên VneID. Theo số liệu từ thường trực Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2023, tính đến tuần 11, chỉ tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi và người dân đã vượt kế hoạch đề ra với 5,4 triệu lượt, đạt 180,64%.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đánh giá cao nỗ lực của tuổi trẻ cả nước trong chuyển đổi số. Theo anh Huy, với sự quyết tâm của các cấp bộ Đoàn, 6 tháng đầu năm 2023, việc ứng dụng chuyển đổi số được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, mang tính hành động cao với nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo sức lan tỏa trong thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân.

Anh Huy cho rằng, giá trị chuyển đổi số rất lớn; việc áp dụng chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả, hoàn toàn đo đếm được chính xác, minh bạch. Từ những giá trị đạt được, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn yêu cầu các cấp bộ Đoàn tiếp tục nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, trong đó điều quan trọng là hình thành thói quen số trong mỗi bạn trẻ.

Theo số liệu thống kê của T.Ư Đoàn, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2023 nhưng các chỉ tiêu về chuyển đổi số đều gần cán đích năm, với 42,4% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện (đạt 70,6% chỉ tiêu đề ra); 38,8% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến (đạt 97% chỉ tiêu đề ra); 46,8% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử (đạt 93,6% chỉ tiêu đề ra).

MỚI - NÓNG