Đổi thay số phận sau ca đại phẫu sinh tử

Đổi thay số phận sau ca đại phẫu sinh tử
TP - Gặp bác Trần Phước Thành đang nhanh nhẹn dọn hàng ra bán trên một con phố đông đúc tại Q.1(TPHCM), chúng tôi bất ngờ khi biết người đàn ông này gần hai năm trước đã từng bị dồn đến con đường cùng bởi căn bệnh ung thư thận quái ác.

Ca ung thư thận hiếm có

Bác Thành cho biết bác bắt đầu đi tiểu ra máu từ tháng 1-2011. Nghĩ mình không hút huốc, uống rượu hay cà phê nên bác chủ quan mình không bệnh gì liên quan đến thận.

Tuy nhiên trong một lần đi khám, bác Thành được cho biết trong thận hiện có khối u và đã phát triển quá to, nếu mổ sẽ rất nguy hiểm nên bệnh viện từ chối mổ mà chọn hướng điều trị khác.

“Bác sĩ bảo cứ để vậy, nếu tiểu ra máu nhiều sẽ vào máu và truyền nước biển. Thời gian đó tôi khó chịu vô cùng vì cứ uống nước vào là bụng lại to lên mà không thể đi tiểu. Do máu bầm làm tắc đường tiểu nên hàng tuần, con tôi phải đưa cha vào bệnh viện thông tiểu” - bác Thành kể lại.

Vài tháng sau đó, bệnh tình trở nặng hơn. Bác được đưa gấp vào Bệnh viện FV với tình trạng tụt huyết áp, sốc do tiểu ra máu ồ ạt vì những mạch máu trong bướu vỡ ra, máu chảy vào đường tiểu.

Tại đây, bác Thành được các bác sĩ cho biết tế bào ung thư đã phát triển thành một bướu to trong thận. Nghiêm trọng hơn, chồi bướu nay đã “ăn” vào tĩnh mạch chủ và lên gần tới gan, nếu cắt bỏ u thận ngay lập tức sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Quyết định khoan mổ cắt bướu vì rủi ro cao, các bác sĩ Bệnh viện FV nhanh chóng làm thuyên tắc mạch máu bằng cách bơm một chất keo đặc biệt vào mạch máu để đến động mạch thận cầm máu, cứu sống bác Thành trong gang tấc.

Và sau hai tháng dưỡng sức sau khi hóa trị để thu nhỏ bướu, bác Thành chính thức bước vào một ca đại phẫu khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý của cả ba chuyên khoa tại Bệnh viện FV: Tiết niệu, Gan mật và Mạch máu.

Ca đại phẫu sinh tử

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức - Khoa Niệu, Bệnh viện FV - nhận định ca bệnh của bệnh nhân Thành là một trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam khi khối u đã phát triển quá to hơn 10cm và chèn vào tĩnh mạch chủ.

“Điều khó khăn nhất của ca mổ này là phải khéo léo xử lý và khống chế chồi bướu, nếu không nó sẽ trồi lên tim làm nghẹt động mạch phổi, gây tử vong ngay trên bàn mổ. Tai biến này chiếm tỷ lệ 20-30% nên rất nguy hiểm” - bác sĩ Đức cho biết.

Sau khi giải thích rõ những nguy cơ, khả năng thành công, cũng như nhận được nguyện vọng của gia đình bác Thành, các bác sĩ của Bệnh viện FV quyết định bắt tay vào thực hiện ca đại phẫu.

Ca mổ diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ của các y bác sĩ phẫu thuật viên (PTV) Gan mật xoay toàn bộ phần gan phải vào trong để lộ tĩnh mạch chủ dưới.

Tiếp theo, PTV Tiết niệu bóc tách toàn bộ tĩnh mạch chủ dưới, kẹp trên và dưới chồi bướu để nó không “chạy” được. Sau đó PTV lấy hết thận phải, khối bướu và lớp mỡ bao quanh thận, mở tĩnh mạch chủ dưới đế lấy phần chồi bướu ra.

Cuối cùng, PTV Mạch máu tái tạo đoạn tĩnh mạch chủ đã mở để nhanh chóng khâu tĩnh mạch chủ trở lại, tránh mất máu cho bệnh nhân. Sau 6 giờ căng thẳng, ca mổ đã thành công tốt đẹp trong sự thở phào nhẹ nhõm của người nhà bác Thành.

Tiếp chuyện chúng tôi, bác Thành vui vẻ cho biết đã tăng 8kg kể từ sau ca mổ sống còn ấy. Bác bảo sức khỏe mình hồi phục rất tốt, đi tái khám cũng không còn phát hiện tế bào ung thư nữa.

Tế bào thận cũng giống như tế bào của bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể có thể phát triển và sinh sôi nảy nở một cách bất thường gây nên ung thư. Ung thư thận thường gặp ở những bệnh nhân từ 50-70 tuổi.

Bệnh nhân bị ung thư thận thường tiểu ra máu nhiều, đôi khi kèm theo đau lưng. Tuy nhiên, khi phát hiện ra những triệu chứng này cũng là lúc khối u thận đã chuyển sang giai đoạn tiến triển mạnh khó điều trị triệt căn tận gốc.

Ung thư thận có thể được phát hiện sớm khi chưa có triệu chứng rõ ràng qua siêu âm bụng. Những khối u dưới 4cm có thể được phẫu thuật cắt bỏ và giữ nguyên thận. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và chữa trị kịp thời trước khi bệnh chuyển sang giai đoạn phức tạp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG