Đời than thổ phỉ

Đời than thổ phỉ
TP - Từ đầu năm 2012 tới nay, khe Tre và núi Ngọc Kinh (Đại Lộc, Quảng Nam) lại bị cày xới tan hoang bởi dân đào than và những doanh nghiệp (DN) núp bóng tận thu than cũ, sau hơn 1 năm bị đình chỉ hoạt động.

> Cam go cuộc chiến chống khai thác than thổ phỉ

Hoang tàn mỏ than Ngọc Kinh Ảnh: Nam Cường
Hoang tàn mỏ than Ngọc Kinh.  Ảnh: Nam Cường.

Nắng hay mưa, hàng chục người dân địa phương vẫn chúi đầu xuống những mỏ than thổ phỉ ở Ngọc Kinh (Đại Hồng) và An Điềm (Đại Tân). Đắp đổi qua ngày với những thúng than mót nhưng đối mặt với họ là đầy rẫy hiểm nguy, tính mạng luôn bị đe dọa chìm sâu dưới đáy hầm.

Cha chúi xuống hầm cho con ngẩng mặt

Trưa, lòng chảo Đại Lộc nóng như trong lò bát quái. Qua cầu Hà Nha, nước sông Vu Gia đục ngầu cuồn cuộn chảy phía dưới chân núi Ngọc Kinh. Xe leo giữa núi, đường hiểm trở, bụi than mù mịt xen lẫn tiếng ầm ào của máy nổ rền vang lòng núi. Trên đỉnh, mỏ than Ngọc Kinh chưa bao giờ hoang tàn như thế.

Lướt qua địa phận khai thác ầm ào của 2 DNTN Hạnh Ngọt và Anh Lài, vượt qua con dốc dựng đứng nham nhở, tôi đụng ngay người đàn bà đang âm thầm kéo tời. Bên miệng hầm sâu hun hút, chị cần mẫn với công việc, không ngước đầu lên.

Ánh mắt cun cút tội nghiệp như phát đi thông điệp: không có gì đâu chú ơi, chỉ mót tí than thừa về nuôi con. Chừng 15 phút, miệng hầm trồi lên một cơ thể đen ngòm bụi than, chẳng khác gì thổ dân châu Phi.

Đó là đôi vợ chồng Lương Bảo và Phạm Thị Sáu (xã Đại Phong). Từ suốt sáng đến trưa, cả hai vợ chồng không nhớ rõ lên xuống hầm bao nhiêu dạo, chỉ biết niềm vui tăng lên khi đống than ngày một đầy.

“Làm quần quật từ 6h sáng đến tận tối, ngày chưa được 1 khối than, làm cho qua ngày đoạn tháng bởi ở nhà cũng thất nghiệp. Ruộng nương không còn” - chị Sáu ngưng quai tay, tâm sự.

Mấy năm trước, cả nhà 5 miệng ăn trông chờ 3 sào ruộng, nay cơn lốc công nghiệp hóa lan nhanh liếm hết gần 2 sào lúa, anh chị đành nhường đất cho nhà máy, dắt díu nhau lên đây đánh cược tính mạng với tử thần. Những ngày đầu làm quen với đời than, đêm nào anh Bảo cũng nghĩ quẩn mơ thấy những khối đá rơi đè xuống đầu.

“Vì khiếp quá, chui xuống hầm sâu, chung quanh mịt mù tăm tối như đường xuống địa ngục. Tức thở, hoa mắt, nhưng nghĩ đến tiền lại phải cố” - anh Bảo khó nhọc kể. Tính tổng cộng, 3 năm nay, trừ ngày tết, trừ lúc trời giông bão, rồi lúc ốm đau, giỗ ông bà, còn lại chưa bao giờ anh chị rời mỏ Ngọc Kinh.

“Than lúc lên lúc xuống, cái quan trọng là đời mình cực, cha nó chúi mặt xuống thì đời con nó sau thấy thế phải ngẩng mặt lên với thiên hạ. Vạn bất đắc dĩ mới chọn kiếp làm than anh ạ” - chị Sáu hoa mỹ.

Công lao cực nhọc của anh chị cuối cùng cũng không bị con cái phụ. Trừ đứa đầu ốm đau bệnh tật ở nhà, 2 đứa sau đều ăn học đàng hoàng tử tế. Cô con gái tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, giờ là giáo viên trung học đàng hoàng, còn cậu con trai út sang năm sẽ tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

“Coi như nó thoát được nghiệp kéo cày, cũng không dính vào bụi than như cha mẹ nó”. Chị Sáu kể, tuần trước, nhân kỳ nghỉ hè, cậu út nằng nặc đòi theo cha mẹ lên hầm than để biết thế nào là lao động. Vừa xuống chuyến đầu, anh chàng đã ngoi lên ho sặc sụa. Cố gắng cũng làm xong ngày, rồi về nhà nằm liệt giường gần cả tuần.

Nỗi niềm thổ phỉ

Anh Lương Bảo chui lên từ hầm than
Anh Lương Bảo chui lên từ hầm than .

Ngăn chặn hay không mấy mỏ than này, theo một cán bộ huyện Đại Lộc là chuyện dễ như trở bàn tay. Chỉ cần tung lực lượng liên ngành truy quét cắm chốt ngăn chặn một tuần thì phải gọi là sạch sành sanh. Nhưng nếu làm thế, thì dân lấy gì mà sống ?

Tuy nhiên, hai cái chết thương tâm hồi tháng 4-2012 vẫn còn rành rành ra đó. Đó chưa phải những cái chết đầu tiên, và với độ hiểm nguy như thế, chẳng ai dám chắc các vụ sập hầm không dừng lại.

Ông Nguyễn Đình Túc (thôn Ngọc Thạch), kể: “Người dân ở đây làm than nhiều lắm, vì vậy mà chết cũng nhiều. Như ông Trần Văn Bình ở thôn Ngọc Kinh Đông khi xuống hầm thì bị điện giật chết, Trần Văn Trung bị sập hầm chết khi mới 22 tuổi. Trong làng giờ ít người làm chỉ có người nơi khác đến làm thôi”.

Anh Nguyễn Viết Tuấn (xã Đại Hồng) từng là thợ mỏ chuyên nghiệp tận Hải Phòng vào gắn bó với mỏ Ngọc Kinh từ năm 1979 với hy vọng đổi đời. Mỏ làm ăn thua lỗ, anh mất việc và trở thành... thổ phỉ.

Mất việc, gánh nặng gia đình, cơm áo đè lên đầu khiến anh Tuấn gần như lúc nào cũng chui trong hầm than. “Bỏ một ngày là 4 đứa con đói” – anh nói. Nhưng chẳng phải lúc nào cũng may mắn, bởi đục vào vách núi chỉ thấy toàn đá xanh thì coi như “rồi đời”.

Dẫu vậy, giữa trưa nắng chang chang, anh Tuấn bằng kinh nghiệm 30 năm hít thở than Ngọc Kinh, vẫn cần mẫn đục lớp đá xanh. Từng mảng đá rơi ra, bám ít bụi đen lả tả, cũng là hy vọng của cả nhóm anh Tuấn tăng lên bội phần.

Đằng sau những câu chuyện khó khăn, cơ cực của các mảnh đời là lấp ló bóng dáng cai than. Anh Lương Bảo thật thà: Mình cúi đầu giả điếc, cun cút làm ăn, coi như chẳng biết gì, im mồm cho yên chuyện.

Trên đỉnh Ngọc Kinh hoang tàn nham nhở, lần theo từng dấu vết bánh xe băm nát đường sá, là những sự thật còn cay đắng hơn cả những mảnh đời thổ phỉ. Ai được phép tận thu than ở Ngọc Kinh và An Điềm? Sau hàng ngàn tấn than còn tồn đọng, có hay không các DN lợi dụng tận thu than cũ để khai thác mới?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG