'Đời rác' ở 'khu ổ chuột' giữa Thủ đô

'Đời rác' ở 'khu ổ chuột' giữa Thủ đô
TPO - Một khu đất trống ngập tràn rác thải, hôi hám, bẩn thỉu cạnh hồ Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nội), nhưng ở đó, hàng trăm người vẫn ăn ngủ, sinh hoạt và kiếm kế sinh nhai.

Những mảnh đời nhặt rác

Người phụ nữ áo xanh gầy gò, nhỏ thó cõng trên lưng chiếc bao phế liệu to gấp ba lần thân mình, dò dẫm đi trên bãi đất toàn gạch đá, cát sỏi cạnh hồ Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nôi). Đằng sau bà, vài thanh niên cũng lầm lũi khâu, vác…

Khoảng gần mười năm trở lại đây, bên cạnh hồ Hoàng Cầu, trên bãi đất trống của công trình xây dựng bỏ hoang, một nhóm dân cư ngoại tỉnh kéo về hình thành bãi tập kết phế liệu, rác thải, thu hút hàng trăm lao động về định cư, làm nghề buôn bán phế liệu mưu sinh. Nếu như ở nước ngoài có những “khu ổ chuột” thì có lẽ, tên gọi ấy phần nào đúng với nơi đây.

Trên một khoảng đất rộng lớn đầy rác thải, từ gỗ, ván ép, nilon, bao tải…, gần chục căn nhà gỗ được dựng lên, làm đại bản doanh cho lao động, sinh hoạt của vài trăm con người lam lũ. Một khung cảnh méo mó, tạm bợ, nhếch nhác, xám xịt giữa lòng Thủ đô.

Trời nắng cũng như trời mưa, ban ngày cũng như đêm, cả khu vực rộng lớn đầy rẫy những bao tải, gạch đá, cát sỏi, sắt thép phế liệu bốc lên một mùi hăng hắc, nồng nồng, hôi hôi khó chịu. Cái nhiều nhất ở đây là… rác, phế liệu và thứ thiếu nhất là ánh sáng. Nhà xây dựng tạm bợ nên chỗ nọ lấn chỗ kia, che hết ánh mặt trời. Vì vậy, ở đây lúc nào cũng thắp điện. Bóng điện cũng không được sáng lắm, chỉ tờ mờ, đủ để nhìn rõ mặt người và phân biệt… các loại phế liệu.

Thế nhưng, bỏ qua bề ngoài lạnh lẽo, bẩn thỉu, cái không khí ô nhiễm ấy, đằng sau lớp cửa gỗ là một cuộc sống sôi động, hối hả mưu sinh của hàng trăm lao động. Sự sôi động ấy đến từ rác thải, phế liệu. Ở nơi đây, người ta ăn, ngủ, nghỉ đều liên quan đến rác, nằm, ngồi trên rác, nguồn sống cũng chính từ rác.

Vừa phân loại đống chai lọ, bà Rạng – phụ nữ đến từ Hưng Yên – làm thuê trong bãi rác (năm nay 60 tuổi và có gần chục năm gắn bó với nghề này) cho biết, mỗi ngày, nếu chăm chỉ, cố gắng, trừ tiền ăn uống, thuê nhà cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng gửi về cho gia đình.

“Mỗi bữa chỉ mua suất cơm 10 nghìn thôi. Năm nghìn tiền cơm, ba ngìn tiền thịt, hai nghìn tiền rau. Ăn thế thôi, chứ kiếm được mấy chục, ăn bữa cơm 25 – 30 nghìn thì lấy đâu ra tiền nữa” – Bà Rạng nói.

Công việc hàng ngày của bà Rạng và của nhiều lao động khác là phân chia các loại rác tái chế như nilon, bao bì, chai nhựa…, sau đó đóng bao, khâu lại và vận chuyển lên khu đất tập kết để chở đi tiêu thụ. “Mỗi ngày, trung bình cõng khoảng 20 – 30 bao như thế, mỗi bao nặng đến 40 kg là thường” – Người phụ nữ đã 60 tuổi nói.

Bà Rạng hiện làm thuê cho một chủ nhà ở bãi phế liệu này. Nói vậy chứ ở đây ông chủ, người làm thuê cũng giống nhau. Cùng ở một nhà, cùng làm việc một chỗ và cùng vất vả như nhau. Cái khác biệt lớn nhất, có lẽ là việc họ đứng tên ra thuê đất, dựng nhà, trả tiền thuê hàng tháng để giúp đỡ những người còn khó khăn có cơ hội kiếm sống qua ngày.

Bãi rác cũng là nơi nhiều người mua bán đồng nát tụ hội. Những người này, đi mua ve chai từ các nơi khác, hoặc mót lại chính những thứ vứt đi của bãi rác để bán cho chủ nhà.

Tay cầm chiếc gậy sắt, chân đi đôi dép đã hỏng, vừa bới rác, bà Phạm Thị Lan (50 tuổi, ở Nam Định), cho biết, cứ đến độ nông nhàn, bà lại lên đây thuê nhà đi nhặt, mua đồng nát.

“Mỗi ngày, cứ 5h sáng là khởi hành, trưa về nấu cơm, nghỉ một chút, sau đó đi nhặt, mua tiếp đến 3h chiều rồi quay về nhà, phân loại để mang đi bán. Mỗi ngày như thế cũng kiếm được từ 50 – 100 nghìn đồng” – Bà Lan nói.

Bà Trần Thị Lụa (57 tuổi) cũng đã hơn chục năm làm nghề tại bãi phế thải này. Hàng ngày, bà chuyên chở, mua bán những bao phế thải từ khu vực ngoài về tập kết tại đây. “Mỗi ngày cũng kiếm được 50 – 70 nghìn về đóng tiền học cho các cháu ở quê”. Bà Lụa bảo, con trai đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, nên cần nhiều tiền trang trải.

Cùng làm với bà Rạng, bà Lan, bà Lụa còn có hàng trăm người khác. Cuộc sống của họ cứ ngày này qua ngày khác gắn chặt với những thứ vứt đi của xã hội. Một ngày bắt đầu bằng rác, kết thúc cũng bằng rác. Cả chủ, người làm thuê đều cúi mặt vào rác. Họ phân loại, họ lựa những thứ còn có thể tận dụng được, tập hợp lại, bán đi lấy tiền mưu sinh và gửi về quê cho gia đình.

Phân loại phế liệu. Ảnh: Trường Phong.
Phân loại phế liệu. Ảnh: Trường Phong..

Không làm được nữa thì thôi

Hai nồi cơm, hai bát canh và một ít thức ăn mặn – Đó là bữa trưa của bảy phụ nữ lao động trong bãi rác này. Họ góp tiền, góp gạo, tự đi chợ, nấu ăn. Tất cả đồ đạc, hoạt động ăn, ngủ, nghỉ của bảy người đều gói gọn trong căn phòng rộng chưa đến mười mét vuông ở thành phố.

Gọi là phòng, nhưng thực ra nó chỉ được dựng lên từ những tấm gỗ, bao tải, bạt cũ, và cũng vì thế, nó không được vuông như thường thấy. Tùy theo địa hình, mỗi phòng có hình dạng khác nhau. Phòng cũng không có giường, chiếu đàng hoàng, chỉ có những thanh gỗ ghép lại với nhau, bên trên phủ một vài tấm lót, chiếc chiếu đã cũ nát, sờn rách. Hai bên thành vắt la liệt những quần áo, khăn, chăn, màn càng làm cho căn phòng thêm ẩm thấp. Không có sân phơi, quần áo giặt xong phơi cùng với bao tải đựng rác…

Tài sản đáng giá nhất trong phòng có lẽ là hai chiếc quạt đã cũ, cùng chiếc bóng điện mờ tỏ trên tường. Ăn cơm buổi trưa, hai chiếc quạt và bóng điện phải hoạt động hết công suất để tránh cái oi nồng mùa hè và thiếu ánh sáng. Trong phòng, già nhất là cụ Hoa, đã 70 tuổi, nhưng vẫn phải đi làm để kiếm sống qua ngày.

“Chúng tôi gọi đây là chung cư trên bãi rác. Cùng chung cầu thang nhé, chung cửa, lại sát vách với nhau” – Một phụ nữ hài hước nói.

Trời nóng đã thế, trời mưa còn khổ hơn. Một vài người cho biết, mỗi khi mưa, phòng lại bị dột, không thể ngủ được. “Phòng của tôi có cái cây mọc xuyên trần, mỗi khi mưa, nước chảy vào, không sao ngủ được. Muỗi cùng nhiều nữa. Không khí lại bẩn, không cẩn thận là ốm ngay” – Bà Trần Thị Lúa cho biết.

Ngoài những lo lắng thường nhật, nhiều người còn lo ngại việc giẫm phải bơm kim tiêm do nơi đây thường xuyên là nơi tụ tập của dân nghiện: “Đợt trước, nhiều con nghiện vào đây hút chích rồi vứt bừa bãi bơm kim tiêm ra bãi. Công an bắt nhiều rồi, cũng giảm được chút ít” – Bà Rạng cho biết.

Cuộc sống vất vả, nhiều nỗi nguy hiểm là thế, tuy nhiên bà Rạng nói, sẽ tiếp tục làm công việc này đến khi nào không làm được nữa. Bà cho biết, ngoài nhặt rác ra, chẳng còn công việc nào có thể làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình nữa.

“Ở nhà có hơn sào ruộng, làm cũng chẳng đủ ăn. Làm bảo mẫu, ôsin cũng nhiều vấn đề. Tôi bán ruộng rồi đi làm thế này, tiết kiệm một chút, mỗi tháng cũng gửi được 1,5 triệu đồng về nhà. Khi nào chỗ này không còn làm được nữa thì tôi mới nghỉ” – Bà Rạng tâm sự.

Trong buổi trưa ghé vào khu ổ chuột, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người mang con, cháu lên thăm người thân làm ở bãi rác. Họ cười nói, vui vẻ, cùng ăn cơm. Gặp được người thân, dường như những lao động này vơi đi lo âu, mệt nhọc của buổi sáng vừa vật lộn với rác thải.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.