Góp ý cho Dự thảo Báo cáo sơ kết Đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn trong tình hình mới, hầu hết các đại biểu cho rằng, đây là một trong những nội dung quan trọng, mặc dù đã có nhiều đổi mới song vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Hoạt động nắm bắt tư tưởng và dư luận xã hội trong TTN còn chậm, chưa bắt kịp với nhịp sống xã hội, hầu như chỉ được quan tâm khi có vụ việc đã xảy ra.
Theo anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành Đoàn, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội, nguyên nhân của những hạn chế đó là hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí hỗ trợ cho công tác giáo dục còn khiêm tốn, chưa được chú trọng; môi trường xã hội có nhiều biến động; năng lực cán bộ Đoàn cơ sở có nhiều hạn chế, không truyền đạt và thuyết phục được đông đảo ĐVTN.
Theo anh Hiểu, để công tác giáo dục TTN thực sự đạt hiệu quả, cần phân loại đối tượng ĐVTN để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp nhất. Bên cạnh đó, nhân rộng các điển hình, tăng cường các bài viết giàu cảm xúc về cái đẹp để định hướng thẩm mỹ cho TTN.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng nói, công tác giáo dục cho TTN là việc làm khó, vì thế, Đoàn cần kết hợp sự chung tay của các lực lượng khác trong xã hội, gia đình, nhà trường, văn nghệ sỹ, giới khoa học; đồng thời chú trọng chất lượng đoàn viên.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho thiếu niên, nhi đồng thông qua các cung, nhà văn hóa thiếu nhi để các em có môi trường rèn luyện lành mạnh phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.
Hoạt động vui chơi giải trí của các em ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn cần được quan tâm hơn.
Theo anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, công tác nắm bắt tư tưởng và dư luận trong TTN rất quan trọng, vì thế cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên chuyên nghiệp, có trình độ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, vai trò tiên phong của cán bộ Đoàn; đồng thời chăm lo hơn đời sống ĐVTN khu chế xuất, khu công nghiệp.