> Chơi Trung thu coi chừng mất cắp
Đội lân 20 tuổi
18 tuổi, Phan Văn An lớn nhất nhì trong nhà, cũng là đàn anh trong kỹ thuật múa lân nên được bầu làm đội trưởng. Đội trưởng An cầm đầu lân nhảy điệu nghệ.
Hỏi ra mới biết mấy anh em được kế thừa từ những người anh đi trước rồi tìm tòi học hỏi từ các đội lân khác và tham khảo thêm trên mạng.
“Múa lân là truyền thống ở đây rồi, có từ 20 năm nay kể từ khi thành lập gia đình trẻ em đường phố. Ban đầu mấy đứa tự làm đầu lân, mặt nạ, quạt giấy sau dần được đầu tư bộ đồ nghề bài bản hơn, luyện múa rồi truyền dạy cho nhau” - Cô Nguyễn Thị Nhung, quản lý cơ sở 2, Trung tâm Bảo trợ trẻ em lang thang đường phố Đà Nẵng, tâm sự.
Anh Lân cùng mấy anh khóa trước tuy không còn ở đây nữa nhưng thường xuyên xuống thăm nhà, nhất là dịp cận tết Trung thu càng xuống đều hơn để chỉ vẽ cho tụi đàn em lớp sau kỹ thuật múa, nhảy.
Mỗi lần đội lân MC khua trống là con nít khu phố lại ùa theo cổ vũ. An thật thà: Lúc đầu chỉ là múa vui cho anh em trong nhà, 4 gia đình (4 cơ sở - PV) nhưng giờ đội đã chuyên nghiệp hơn, các cửa hàng, cơ quan tìm đến, mời đội lân về múa trong những ngày hội đêm rằm. An cũng để hẳn ra một cuốn vở để ghi lịch biểu diễn của đội lân. Được múa lân thế này vừa vui, lại dành dụm thêm tiền tu sửa trang hoàng đồ nghề cho những năm sau.
Mơ đưa lân về quê
An cho biết cậu vào trung tâm từ hồi học mẫu giáo, nhưng vẫn nhớ như in những ngày lem luốc ở quê, cả buổi tối chạy theo đội lân trong xóm. Nói là đội lân cho oai, chú lân tự tạo trông cũng không giống lắm, đầu nặn bằng đất sét, thân bằng tấm mền che lại, ấy vậy mà cả lũ trẻ trong xóm ai cũng chết mê chết mệt chạy theo mơ một lần được sờ cái đầu chú lân ấy.
“Bây chừ có đầu lân đẹp, có trống xèng, mặt nạ ai cũng thích, giá như được một lần đưa đội lân về quê biểu diễn cho con nít cả xóm xem thì vui biết mấy” – An ao ước.
Những ngày đầu, cả hội hì hục làm đầu lân hơn một tháng mới hoàn thành, nhưng do làm bằng đất sét và gỗ nên đầu lân nặng tới 7kg, chỉ cần nhảy một hồi là… thở dốc.
Thấy các em vui vẻ mà vất vả quá, cô quản lý đề xuất với lãnh đạo trung tâm, kêu gọi các nhà hảo tâm cuối cùng cũng có được đội lân đẹp mỹ mãn.
Nhìn nhóm học trò háo hức, suốt ngày quanh quẩn với đầu lân, cô Nhung khẽ lắc đầu, cười: “Rảnh ra là tập, đi học về là lôi đầu lân ra múa, ăn cơm xong lại tập hợp đội hình. Có khi ăn cơm cũng đứng ngồi không yên. Cứ hễ các anh tập mệt là mấy đứa nhỏ lại mượn đầu lân, khua chiêng trống khiến cho cả khu xóm lúc nào cũng tấp nập”.
Vừa đi học về, Trần Văn Tư, 14 tuổi, bỏ cặp xuống chạy vào phòng trong, nơi cả nhóm đang tụ tập.
Là con thứ 4 trong một gia đình có cha mắc bệnh tâm thần, mẹ đau yếu, Tư được gửi vào trung tâm nhờ nuôi dưỡng. Ban đầu thì buồn lắm, xa mẹ, xa anh chị người thân.
Nhưng Tư được mấy anh nhanh chóng lôi vào cuộc, chính từ những chiếc đầu lân này. 8 năm liền Tư là học sinh giỏi. Riêng về múa lân, cậu cũng sáng dạ, tiếp thu nhanh nên chỉ sau một mùa trăng đã được vào đội chính thức.