Đợi đến bao giờ?

Dự án chung cư cũ D2 Giảng Võ thành chung cư bỏ hoang Ảnh: Tú Anh
Dự án chung cư cũ D2 Giảng Võ thành chung cư bỏ hoang Ảnh: Tú Anh
TP - Nhiều năm qua, hầu hết các dự án cãi tạo chung cư cũ vẫn giẫm chân tại chỗ, trong khi người dân sống khốn khổ chờ dự án mà không biết ngày hoàn thành.

> Xây chung cư cũ: Doanh nghiệp “húc đầu vào đá”

Tạm cư 4 năm chưa rõ ngày trở về nhà mới

Dự án cải tạo nhà A1 và A2 thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Đây là hai tòa nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhưng sau mấy năm triển khai hiện dự án vẫn là một công trường ngổn ngang. Ngoài số dân đã di dời tới tạm cư tại khu chung cư Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai), đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời khỏi các tòa nhà xập xệ.

“Chúng tôi đã giao lại nhà cửa cho chủ đầu tư để về đây sống tạm cư từ năm 2009. Mấy năm nay hàng trăm con người phải sống trong cảnh thiếu thốn tạm bợ đủ đường để chờ dự án cải tạo nhà cũ hoàn thành nhưng không biết lúc nào mới trở thành hiện thực. Giờ ai cũng muốn được quay trở về nơi ở cũ để cuộc sống đi vào ổn định chứ ngồi chờ dự án thế này biết đến bao giờ” - Ông Dương Phú, đại diện một hộ dân ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ buồn rầu nói.

Tương tự, hàng trăm hộ dân ở dự án chung cư cũ C1, khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đầu năm 2009, sau khi phá dỡ tòa chung cư cũ các hộ dân tại đây được bố trí đến nơi tạm cư, chờ chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình chung cư mới trên nền đất cũ để chuyển về.

Thế nhưng, bốn năm trôi qua dự án xây mới nhà C1 vẫn án binh bất động. Người dân ở đây cho biết, khi triển khai dự án cải tạo xây mới khu chung cư này ai cũng lấy làm mừng vì có cơ hội đổi đời, nhưng từ đó đến nay dự án triển khai một cách ì ạch.

Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, các dự án cải tạo chung cư cũ khác như: khu chung cư B6; D2…, tiến độ triển khai của các chủ đầu tư rất chậm chạp.

Tại dự án chung cư cũ D2 Giảng Võ, dù người dân đã di dời được 2 năm, nhưng dự án vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng, trong khi tiền hỗ trợ thuê nhà cho người dân đã sắp hết hạn “Khu đất D2 Giảng Võ được đánh giá là một khu đất “vàng” nhưng giờ đây trở thành một chung cư hoang vì dự án mãi vẫn chưa triển khai xây dựng.

Chúng tôi đang khóc dở mếu dở vì phải sống tạm cư do chủ đầu tư bố trí tại Sài Đồng - Long Biên mấy năm nay mà không biết ngày trở về nhà cũ của mình” - Ông Nguyễn Văn Thành ở khu D2 Giảng Võ bức xúc.

Theo các hộ dân, khi di dời họ được bố trí tạm cư hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù, mức hỗ trợ là khá cao so với quy định, nhưng không đủ bù chi phí thuê nhà thực tế tại Hà Nội, chưa tính đến giá nhà tăng lên hằng năm.

“Giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nếu dự án cứ chậm tiến độ như thế này thì không biết đến bao giờ người dân chúng tôi mới có thể trở về căn nhà của mình - Anh Nguyễn Thành Lê ở khu D2 đặt câu hỏi.

Chủ đầu tư “đòi” cơ chế đặc thù

Hiện hầu hết các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ đều giẫm chân tại chỗ bởi gặp rất nhiều khúc mắc. “Vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ hiện nay chính là quy hoạch.

Hiện chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết sự mâu thuẫn giữa yêu cầu khống chế về quy hoạch kiến trúc trong nội ô như hạn chế số tầng, hạn chế số dân và không tăng mật độ xây dựng với nhu cầu đặt ra từ phía chủ đầu tư về tạo nguồn thu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu dự án xây dựng lại chung cư cũ đạt được các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy định của quy hoạch chung thủ đô thì không có sức hấp dẫn nhà đầu tư”-Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc phân tích.

Ông Trần Mạnh Thắng-đại diện Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo, chủ đầu tư khu D2 Giảng Võ cho rằng, nếu giữ nguyên hệ số sử dụng đất và hệ số tầng cao như hiện nay, thì doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ sẽ lỗ nặng.

Theo ông Thắng, ít nhất phải nâng hệ số tầng cao lên 17 tầng, thì doanh nghiệp mới có đủ kinh phí phá dỡ, xây mới. Đấy cũng là lý do mà gần đây nhiều chủ đầu tư “đòi” xin cơ chế đặc thù cho các dự án cải tạo chung cư cũ.

Đơn cử, mặc dù theo quy định thì khu chung cư cũ số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), khi xây lại tối đa chỉ được cao 8 tầng, nhưng chủ đầu tư dự án này lại đang xin “đặc cách” xây lên 17 tầng.

Cụ thể, Cty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5, cho rằng, khu chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng nếu xây mới 8 tầng thì đã sử dụng tái định cư hết 7 tầng nên không đủ chi phí bù đắp cho dự án.

Trước đó, một dự án cải tạo chung cư khác cũng tạm dừng nhiều tháng là dự án B6 Giảng Võ, vì nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế. Lý do trong khi chủ đầu tư đề nghị chiều cao toà nhà là 28 tầng, thì TP Hà Nội chỉ cho phép xây 22 tầng.

Một nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai, đó là do cơ chế xin - cho, dẫn đến chuyện lựa chọn một số nhà đầu tư chỉ chăm lo lợi ích cho mình, yếu kém năng lực.

“Cơ chế xin cho trong việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ làm cho tiến độ dự án bị ảnh hưởng, người dân thì bị thiệt thòi. Nếu đấu thầu thì không nói, nhưng lựa chọn nhà đầu tư yếu kém theo kiểu xí phần không triển khai dự án thì rất nguy hiểm.

Dù đã có cơ chế chung nhưng việc trình xin cơ chế đặc thù cho riêng từng dự án đã và đang tạo ra những bất cập rất khó giải, dẫn đến các dự án triển khai ì ạch”-Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.

Theo báo cáo gửi HĐND, UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu chung cư cũ trên địa bàn của Sở QH&KT thì hiện

Hà Nội có khoảng 32 khu chung cư và 99 công trình chung cư cũ trong khu vực nội đô. Theo đánh giá hiện trạng chung cư cũ ngày càng xuống cấp, chủ trương chung của TP là cho phép lập dự án xây dựng lại.

Tuy nhiên, số lượng chung cư cũ đã được cải tạo, xây mới đến thời điểm hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG