Đối đầu Trung-Mỹ: Hòa bình lạnh hay bẫy Thucydides?

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn tên lửa trên biển Đông ngày 28/7/2015. Ảnh: CFP.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn tên lửa trên biển Đông ngày 28/7/2015. Ảnh: CFP.
TPO - Ủy ban Chiến lược quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, quân đội Mỹ “có thể phải vật lộn mới thắng được, thậm chí có thể thua trong một cuộc chiến với Trung Quốc hoặc Nga”.

Sự chuyển hướng lớn nhất trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 1 với việc Washington đưa ra Chiến lược quốc phòng mới, chấm dứt trọng tâm chống khủng bố hậu 11/9 để ưu tiên đương đầu Nga, Trung Quốc…

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi theo Chiến lược quốc phòng mới, khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp hàng trăm tỷ USD thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng đã có những bước đi nhằm hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các hãng công nghệ Mỹ, hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc. Mỹ đang có kế hoạch bắt giữ, truy tố một số công dân Trung Quốc, tạp chí toàn cầu Breaking Defense đưa tin.

Hôm 1/12, theo đề nghị của Mỹ, Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei (Hoa Vĩ) của Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ tiết lộ rằng, chính quyền Trump sẽ sớm công khai đề cập chiến dịch của Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ tiên tiến, đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó như truy tố các hacker làm việc cho tình báo Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Huawei và chính phủ Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc của phía Mỹ, Xinhua đưa tin.

Tháng 11, hai báo cáo do Quốc hội Mỹ yêu cầu cơ quan chức năng lập ra đều nhấn mạnh các đặc điểm của một mối quan hệ kiểu Chiến tranh lạnh đang thành hình. Đó là mối quan hệ đối đầu, nghi kị và kiềm chế.

Ủy ban Xem xét kinh tế và an ninh Mỹ-Trung cho rằng, “mô hình kinh tế bóp méo thị trường, do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc gây ra thách thức đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ” và việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội có nghĩa “Mỹ và các đồng minh, đối tác của mình không thể duy trì thế thượng phong về không quân khi có xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tương tự, Ủy ban Chiến lược quốc phòng cảnh báo rằng, quân đội Mỹ “có thể phải vật lộn mới thắng được, thậm chí có thể thua trong một cuộc chiến với Trung Quốc hoặc Nga”.

Đối đầu Trung-Mỹ: Hòa bình lạnh hay bẫy Thucydides? ảnh 1

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Bẫy Thucydides

“Những báo cáo này khẳng định điều mà The Heritage Foundation (Quỹ Di sản) đã kết luận một cách độc lập rằng, quân đội Mỹ yếu hơn rất nhiều so với những gì người ta thường đánh giá”, Dean Cheng, nhà nghiên cứu cấp cao tại The Heritage Foundation nhận định.

“Với tư thế hiện nay, quân đội Mỹ chỉ có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia trọng yếu của Mỹ”, ông Cheng đánh giá.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại lo ngại rằng, việc Mỹ chuyển sang tư thế giống thời Chiến tranh lạnh là đẩy lùi và kiềm chế các nguy cơ đến từ Trung Quốc có thể rơi vào bẫy Thucydides.

Thucydides là sử gia Hy Lạp cổ đại – người đã thuật lại sự trỗi dậy của Athens thách thức quyền lực lâu đời của Sparta, với sự đan xen “sợ hãi, danh dự và lợi ích” dẫn tới việc cả hai thành bang này sa vào cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau.

Kể từ đó, Chiến tranh Peloponnesus (cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại từ năm 431 đến 404 trước Công nguyên) mà Thucydides kể lại đã trở thành mô hình cho các chiến lược gia. Sự thách thức của Đức đối với Anh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh Thế giới lần thứ hai là ví dụ được trích dẫn nhiều nhất.

Trong cuốn sách “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’ Trap?” (Định mệnh chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides?) xuất bản năm 2017, tác giả Graham Allison tổng kết rằng, trong lịch sử có 16 trường hợp một cường quốc đang trỗi dậy thách thức một cường quốc khác có địa vị thống trị từ lâu và trong số 16 trường hợp này, 12 có kết quả cuối cùng là chiến tranh. Ngoại lệ đáng kể duy nhất là Anh, siêu cường toàn cầu hồi thế kỷ 19, đã vượt qua căng thẳng với nước Mỹ đang lên, biến Mỹ thành đồng minh. Tuy nhiên, liên minh này dựa trên di sản độc đáo chung về ngôn ngữ, văn hóa và nguyên tắc dân chủ.

“Dựa trên quy đạo hiện nay, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong những thập kỷ tới là không thể”, tác giả Allison viết. Tuy nhiên, đánh giá qua dữ liệu lịch sử thì khả năng xảy ra vẫn là có, ông nhận định.

Quân sự Trung Quốc gây lo ngại

Giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế Aaron Friedberg, Đại học Princeton (Mỹ), nói: “Tôi đồng cảm với định hướng chung của chính quyền Trump là đang dịch chuyển đổi mặt với Trung Quốc, nhưng gây sự với các đồng minh truyền thống của chúng ta ở châu Âu và châu Á về những vấn đề thương mại tầm thường là tự bắn vào chân mình”.

“Điều quan trọng trong việc thiết lập và thực hiện một chiến lược Trung Quốc mới là năng lực của chúng ta trong việc thể hiện rõ ràng các giá trị dân chủ, tự do. Các giá trị này khiến chúng ta tập hợp đồng minh và phân biệt chúng ta với Trung Quốc”, giáo sư Friedberg nhận định.

Trong khi đó, ông Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, lại cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thời gian qua là “giơ cao đánh khẽ”, không hiệu quả.

“Không ai cho rằng chúng ta nên cắt đứt ngoại giao và đối thoại với Trung Quốc vì ngoại giao và đối thoại với Trung Quốc sẽ là yếu tố quan trọng trong việc duy trì ổn định trong kỷ nguyên cạnh tranh sắp tới. Tuy nhiên, Chiến lược An ninh quốc gia tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ đang tìm kiếm sự cân bằng khiến không nước nào có thể thống trị châu Á và điều đó đang diễn ra”, chuyên gia Ratner nói.

“Cái môi trường dung dưỡng mà Mỹ cho phép hình thành ở biển Đông đang khuyến khích Trung Quốc tăng cường áp đặt ý chí của họ ở khu vực, tăng khả năng gây ra xung đột”, ông Ratner nhận định.

Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, cho rằng, Mỹ nên thực hiện chiến lược có tính chất cân bằng để ngăn Trung Quốc thống trị quân sự ở châu Á, kiềm chế các chính sách trọng thương tồi tệ nhất của nước này.

TướngJoseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với Breaking Defense hồi năm ngoái: “Không có gì phải bàn cãi, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông sau khi cam kết không làm vậy hồi năm 2015… Họ đang theo đuổi tên lửa hành trình chống tàu từ xa và hệ thống rocket (trên biển Đông)”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.