Theo giám đốc Nguyễn Trinh Thi, trong quá trình Hanoi DocLab chuyển nhà khỏi viện Goethe- Cơ sở gần thập kỷ, phiên bản mới nhất của DocFest năm 2017 tăng gấp đôi phạm vi hoạt động. ĐôcPhêt là người anh em song sinh tinh quái của Hanoi DocFest. “ĐôcPhêt là cách phát âm từ DocFest theo kiểu Việt Nam, mà cũng có thể hiểu thành Độc phết”.
Tiệc “hình ảnh động”
Chương trình kéo dài suốt một tuần, khắp nhiều địa điểm song song. DocFest (đậm chất điện ảnh hơn) vẫn như mọi năm sẽ diễn ra tại Viện Goethe Hà nội, còn ĐôcPhêt (đậm chất nghệ sĩ hơn) sẽ diễn ra tại Nhà sàn Collective, Manzi Art Studio, Vui Studio.
Khán giả sẽ được thưởng thức chương trình dưới dạng LOOP (trình chiếu liên tục), sắp đặt âm thanh hình ảnh, xem phim thảo luận cùng các nhà làm phim VN và quốc tế, hội thảo chuyên đề do Mạng lưới Nghiên cứu Điện ảnh Đông Nam Á (SEACRN) tổ chức năm nay – với chủ đề “Không gian, Thời gian, và Xung động trong Điện ảnh Đông Nam Á”.
Ngoài các gương mặt quen thuộc từ những liên hoan trước, như Đỗ Văn Hoàng, Trương Quế Chi, Trương Minh Quý, Ngô Thanh, Tạ Minh Đức, Nguyễn Trinh Thi, khán giả có thể gặp gỡ những cái tên mới: Hải Yến, Huệ Nguyễn, Lê Xuân Tiến, Thịnh Nguyễn, Lê Đình Chung, Nguyễn Song, Vi Đỗ, và Trâm Lương.
Sê-ri phim thể nghiệm mới của các nhà làm phim và nghệ sĩ trẻ VN như Câu chuyện ngược phía đối diện (Lê Đình Chung), Nước mơ, Hè xứ nóng (Nguyễn Hải Yến), Nằm xuống nghỉ ngơi (Lê Xuân Tiến)...hứa hẹn “đậm chất tác giả” và “độc phết” như tên gọi “anh em song sinh” của DocFest.
Vượt ra ngoài khuôn khổ thường lệ của các buổi chiếu phim, liên hoan lần này còn triển lãm một tác phẩm Sắp đặt video 5 kênh của Jamie Maxtone-Graham (Mỹ), Sắp đặt/hòa nhạc âm thanh của nhà nhân học âm thanh Ernst Karel (Đức).
“Nghệ sĩ” đến cùng
Nhà tổ chức LHP tự hào khi bộ phim nghệ thuật giả tưởng “Con đường trên núi” của nữ đạo diễn Việt kiều Síu Phạm trình chiếu lần đầu tại DocFest cùng thời điểm ra mắt trên toàn châu Á. Trên cao nguyên miền Bắc Việt Nam, một người đàn ông già da trắng (Hippie xế chiều) đi du lịch trên chiếc xe máy tàn tạ, kết bạn với một đôi tình nhân trẻ giàu có với một chiếc fly cam. Khi người đàn ông già mất hết tất cả mọi thứ, ông ta quay lại nhà bà của người bạn mới, nhưng cặp tình nhân đã rời đi và để ông ta lại với bà lão già cùng cháu gái 10 tuổi của bà ấy. Chiếc fly cam đáp trúng vào mắt ông ta và làm ông bị thương. Ông hy vọng mình có thể ở lại đây để giúp cháu bé gái viết một bài thơ tiếng Anh, nhưng cảnh sát bảo ông phải đi. Người xem chẳng thể biết được người đàn ông già sẽ ở đâu, liệu ông đã chết chưa hay có còn trên đường không?
“Con đường trên núi” với hai suất chiếu và thảo luận sau phim cùng đạo diễn Síu Phạm cho thấy thể loại phim nghệ thuật (phim mang dấu ấn tác giả) không chỉ dành cho nghệ sĩ thưởng thức nhau. Khán giả bình thường đã quan tâm đến dòng phim này.
Nhìn lại hành trình cùng DocLab, nghệ sĩ Trinh Thi thổ lộ, “công việc, tác phẩm của chúng tôi luôn bị coi là “khó hiểu”. Trong 8 năm qua DocLab đã tổ chức khoảng 100 workshop (khóa học ngắn), dạy làm phim cho khoảng 200 học viên. Một số ít sử dụng kỹ năng làm phim cho công việc, vài người đã có phim đoạt giải, một một số lớn học chỉ để cho biết nhưng thái độ của người xem với phim tài liệu độc lập, phim nghệ sĩ đã dần thay đổi.
Việc đóng cửa không gian của DocLab tại viện Goethe không đồng nghĩa với việc chấm dứt các hoạt động của DocLab. Sáng lập viên Trinh Thi tin tưởng DocLab sẽ vẫn tiếp tục chương trình giáo dục phi lợi nhuận với việc duy trì một số khóa học làm phim và nhiếp ảnh, các hoạt động chiếu phim và giao lưu với nghệ sĩ tại các địa điểm khác nhau trong thành phố. Và quan trọng hơn cả là vẫn sẽ luôn cam kết duy trì tính thể nghiệm và tinh thần tự phản biện trong các thực hành làm phim của mình.