ASEAN-Trung Quốc:

Dọc theo đường sắt thịnh vượng chung

TP - Trong khi đoàn tàu cao tốc chở nặng nông sản Lào đang qua Đường hầm Hữu nghị ở biên giới Lào-Trung Quốc, cách đó không xa giữa trưa nắng cuối tháng 6/2023, vị phó ga đứng cạnh bảng thông tin vẽ hình 4 mặt hàng phổ biến của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nói với chúng tôi về những bước tiến về thương mại, du lịch, văn hóa…

Đứng cạnh bảng thông tin ngoài trời với những nét vẽ thanh thoát đặc tả sầu riêng, măng cụt, ngô và cá, ông Wang Junfeng, Phó trưởng ga tàu hỏa Mohan (Vân Nam, Trung Quốc), vừa chỉ vào biểu đồ với các mũi tên đi lên vừa giải thích về sự phát triển vượt bậc trong xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với Lào nói riêng, với ASEAN nói chung sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào khai trương tháng 12/2021.

“Trước kia mỗi ngày chỉ có 4-6 chuyến tàu hàng chở hơn chục loại hàng hóa qua lại biên giới. Giờ đây, nhà ga Mohan chúng tôi mỗi ngày tiếp nhận 16 chuyến tàu hàng với 13.000 tấn hàng thuộc hơn 2.000 chủng loại hàng hóa. Nhờ áp dụng công nghệ, thiết bị tối tân, quy trình tối ưu, thời gian thông quan đã giảm từ 2 ngày, tức 48 giờ, xuống còn 5 giờ”, ông Wang cho biết.

Cuối năm ngoái, nhà ga thành lập khu hải quan riêng biệt để ưu tiên thông quan nhanh một số nhóm hàng như hải sản, ngũ cốc, trái cây… Khu vực này mỗi ngày xử lý 10.000 tấn hàng. “Từ Đường hầm Hữu nghị ở biên giới tới điểm đỗ, tàu đi hết 5 phút và thời gian lấy mẫu, kiểm tra hàng hóa chỉ hết 10-13 phút. Vì thế, tổng thời gian để hàng hóa, đặc biệt là trái cây, từ Vientiane (thủ đô của Lào) tới Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) hiện chỉ còn hơn 1 ngày một chút, so với 2-3 ngày nếu vận chuyển bằng xe tải”, ông Wang nói.

Dọc theo đường sắt thịnh vượng chung ảnh 1

Hành khách Campuchia hào hứng chụp ảnh trước mũi đoàn tàu cao tốc vừa dừng ở ga tàu hỏa Mohan (Vân Nam, Trung Quốc) ngày 19/6. (Ảnh: Linh Nhi)

Nghe thông tin vậy, anh Ben Sokhean (Campuchia) hỏi liệu hàng hóa Campuchia có được hưởng lợi từ đường sắt Trung Quốc-Lào vì hiện nông sản nước anh, đặc biệt là xoài và chuối, xuất qua Trung Quốc theo đường bộ qua ngả Quảng Tây. Ông Wang trả lời, doanh nghiệp Campuchia có thể tận dụng đường sắt hiện hữu hoặc tuyến đường sắt trong tương lai, kéo dài qua Thái Lan, Campuchia, Malaysia, kết nối với Việt Nam, Myanmar, để gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước ASEAN khác cũng như với Trung Quốc vì Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, gạo, cao su… Anh Ben nói: “Trung Quốc đang giúp Campuchia nâng cấp tuyến đường sắt nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Poipet giáp Thái Lan, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. Đây sẽ là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Campuchia, tốc độ 160 km/h, khổ đường 1,43m. Và Trung Quốc cũng giúp Campuchia xây tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc đến biên giới với Việt Nam, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam”.

Từ khi Đường sắt Trung Quốc-Lào thông xe đầu tháng 12/2021 và tàu khách xuyên biên giới chính thức hoạt động từ giữa tháng 4/2023, con đường tơ lụa làm bằng sắt thép này nhanh chóng trở thành tuyến đường sắt quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện nay, Trung Quốc muốn cùng các nước láng giềng thúc đẩy phát triển Vành đai-Con đường, hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn.

CRIntermodal, liên doanh vận tải đường sắt Trung Quốc-nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc, xác nhận rằng, CRIntermodal nói chung và chi nhánh ở Côn Minh (CRIntermodal Kunming Terminal) đang có kế hoạch mở rộng, xây mới các cảng container đường sắt quốc gia, trung tâm hậu cần container đường sắt, chú trọng dịch vụ vận tải đa phương thức hoạt động 24/7, vì nhu cầu vận tải bằng đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc Trung Quốc-ASEAN đang và sẽ tăng mạnh. Chỉ tay vào 3 chiếc xe nâng đang chạy băng băng trong trung tâm hậu cần container đường sắt lớn nhất khu vực cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, ông Guo Jian, Trưởng phòng Marketing và Kinh doanh của CRIntermodal Kunming Terminal, cho biết chỉ mất 26 phút để xử lý xong container hàng (từ lúc vào đến lúc ra khỏi trung tâm).

Thuận lợi hóa xuất nhập khẩu, du lịch

Và dọc theo các tuyến đường sắt nối Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có tuyến Trung Quốc-Lào có nhiều tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi theo, nhất là về mặt xuất nhập khẩu và du lịch, với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông Dao Yongjian, Phó giám đốc Công ty Sàn giao dịch Cà phê Quốc tế Vân Nam (YCE), cho biết mỗi năm YCE giao dịch khoảng 70.000 tấn cà phê nhân, chủ yếu là cà phê Robusta, với các đối tác Việt Nam. Trong khi đó, ông Deng Jialu, Giám đốc Công ty Cà phê Beigui với khoảng 1.000 nhân viên ở thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, cũng cho biết, trong số các nước ASEAN, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường lớn nhất của Beigui.

Ngày 20/6, chị Gu Rui (Sở Ngoại vụ Vân Nam) nói rằng, hai nước Trung-Việt đang tích cực kết nối Vành đai-Con đường với Hai hành lang và Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ. Hai hành lang bao gồm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với nhiều hành khách đi dọc tuyến đường sắt cao tốc, đường bộ nối Vân Nam với Lào, họ không chỉ bị hút hồn bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi sản phẩm, di sản văn hóa độc đáo của người dân địa phương, như hoa tươi ở Dounam (Đấu Nam) - chợ hoa lớn nhất châu Á ở làng Đấu Nam, Côn Minh; cà phê hoa quả ở Trang trại Cà phê Dakaihe của cô chủ Hua Runmei với mô hình quán café đất ở Phổ Nhĩ; rừng xoài trăm tuổi (có cây xoài ngàn năm), di sản văn hóa phi vật thể hát “Zhang Ha” của người dân tộc thiểu số Dai (Thái) ở châu tự trị Xishuangbanna (Tây Song Bản Nạp) thuộc Vân Nam, giáp Lào và Myanmar.

Sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào (tốc độ 160 km/h) rút ngắn thời gian đi lại giữa Côn Minh và Vientiane (1.035 km) còn 10 giờ rưỡi bao gồm thời gian làm thủ tục hải quan, đoàn tàu khách xuyên biên giới chính thức hoạt động từ giữa tháng 4/2023, không chỉ phục vụ hành khách Trung Quốc, Lào mà còn nhiều khách quốc tế.

Tại ga tàu hỏa Mohan (giáp biên giới Lào), Trưởng ga Gao Rong, chỉ cho chúng tôi xem hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ xuất nhập cảnh, như máy cho hành khách tự khai báo y tế bằng 6 thứ tiếng, gồm tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Thái Lan, tiếng Myanmar, tiếng Trung và tiếng Anh. “Từ tháng 4 đến nay, chúng tôi phục vụ khoảng 25.000 hành khách, gồm 11.000 khách Trung Quốc và 14.000 khách đến từ 39 nước, chủ yếu Lào và Thái Lan. Hiện giờ tàu khách chạy 2 chuyến, phục vụ khoảng 180 hành khách mỗi ngày”, bà Gao cho biết.